Giải pháp cho kỷ nguyên “hậu kháng sinh”

Năm 2013, lúc bác sĩ nói với Christophe Novou rằng chân của ông có thể bị cắt bỏ đến tận khớp háng do vết thương nhiễm trùng, người đàn ông 47 tuổi này nghĩ ngay tới việc tự kết liễu đời mình. Sau khi trải qua một tai nạn giao thông kinh hoàng cũng như hàng tá ca phẫu thuật, với Novou, sống mà phải ngồi xe lăn thì không còn là sống nữa.

Trong lúc tuyệt vọng nhất, Novou đọc được bài báo viết về một phòng khám ở Georgia đang áp dụng liệu pháp thực khuẩn - dùng virus còn sống để điều trị các ca nhiễm trùng nghiêm trọng. Vài giờ sau đó, ông đã có mặt trên chuyến bay từ Paris (Pháp) đi Tbilisi (Gruzia).

Bên cạnh tính hiệu quả, giới nghiên cứu cho rằng cần phải kiểm soát liệu pháp thực khuẩn chặt chẽ để tránh lây lan virus ra môi trường.

“Nếu không có phương pháp này, tôi sẽ không ở đây ngày hôm nay”, Novou mới đây chia sẻ với phóng viên hãng AFP về liệu pháp đã gần như bị quên lãng, chỉ còn tồn tại ở một số thuộc Liên Xô cũ. Liệu pháp thực khuẩn sử dụng virus để tấn công và giết chết vi khuẩn nguy hại, bao gồm cả các “siêu bọ” đang trở nên trơ lì trước thuốc kháng sinh.

Trong trường hợp của Novou, “siêu bọ” khó điều trị chính là Staphylococcus, loại vi khuẩn phổ biến, thường xuất hiện ngay trong một cái mụn nhọt tới các vết nhiễm trùng “ăn thịt người” khủng khiếp. Giải pháp điều trị thay thế này đã được chào đón trở lại từ khoảng 15 năm trở lại đây, đặc biệt ở Pháp, Bỉ và Mỹ, trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả tình trạng ngày càng gia tăng các mầm bệnh kháng thuốc như một cuộc “khủng hoảng y tế toàn cầu”. Tổng Giám đốc WHO, bà Margaret Chan cuối năm ngoái đã lên tiếng cảnh báo về một “kỷ nguyên hậu kháng sinh” - thời điểm mà các bệnh nhiễm trùng đơn giản cũng có thể biến thành “sát nhân”.

Bài toán đầu tư

“Liệu pháp thực khuẩn đặc biệt hiệu quả đối với các bệnh nhiễm trùng có ảnh hưởng tới xương, khớp cũng như đường tiết niệu, phổi và mắt”, Alan Dublanchet, một bác sĩ đi đầu trong phong trào khôi phục lại liệu pháp trên tại Pháp, cho biết.

Được phát hiện từ thời Chiến tranh thế giới thứ nhất và phát triển trong suốt những năm 1920 - 1930, phương thức dùng virus để diệt virus gây hại đã cho thấy rất ít tác dụng phụ không mong muốn.

Bác sĩ nghỉ hưu Dublanchet tuyên bố ông đã chữa trị cho ít nhất 15 bệnh nhân có vết thương bị nhiễm trùng nặng sau tai nạn giao thông, mà thuốc kháng sinh thông thường không có tác dụng. Quá trình điều trị thường kéo dài trong vài tuần lễ và nhìn chung ít tốn kém hơn so với việc sử dụng những loại biệt dược có thể lên tới hàng chục ngàn USD.

Tuy nhiên, các công ty dược phẩm không mấy mặn mà với phương pháp này, phần lớn là do họ không thể xin cấp phép nhãn hiệu độc quyền cho những con virus biến hóa khôn lường. Chuyên gia về bệnh nhiễm trùng tại WHO, Jean Carlet lý giải: “Các phòng thí nghiệm quay lưng với thực khuẩn vì lợi nhuận trên đầu tư thu về là quá ít ỏi”. Một số công ty đã bắt tay đầu tư cho liệu pháp thực khuẩn - vốn được Liên minh châu Âu (EU) công nhận là một loại thuốc từ năm 2011 - tuy nhiên do chu trình thử nghiệm có thể kéo dài cả thập kỷ nên đây sẽ là một cuộc đầu tư dài hạn.

Giới chức EU đang tiến hành một cuộc thử nghiệm lâm sàng mang tên "Phagoburn” nhằm kiểm tra tính hiệu quả của phương pháp thực khuẩn trên các bệnh nhân bị bỏng nặng. Một nửa trong nhóm 220 người tham gia được điều trị bằng các công nghệ cũ và một nửa số họ được áp dụng phương thức dùng “virus để đánh virus”. Chính phủ Pháp có khả năng sẽ cấp phép tạm thời cho liệu pháp thực khuẩn nếu “các sản phẩm đủ chất lượng và hứa hẹn tính hiệu quả”, đại diện ANSM - cơ quan giám sát hoạt động phê duyệt và sử dụng thuốc tại Pháp -thông báo.

Christophe Novou đã chi 8.700 USD để tới Tbilisi điều trị, số tiền không nhỏ, nhưng ông chẳng hề nuối tiếc. Hàng chục, có lẽ là hàng trăm người Pháp bị nhiễm trùng nghiêm trọng đã chọn lựa như Novou và đa số họ về nước với phần thân thể giữ được nguyên vẹn nhất có thể.

Hồng Mai (theo AFP)
40.000 bệnh nhân Đức tử vong hàng năm do nhiễm trùng
40.000 bệnh nhân Đức tử vong hàng năm do nhiễm trùng

Hội vệ sinh bệnh viện Đức (DGKH) ngày 27/2 cho biết hàng năm ở Đức có khoảng 40.000 bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng tại các bệnh viện, con số cao gấp đôi so với những gì được thông báo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN