Được đặt tên là “Yolo” (tạm dịch: Bạn chỉ sống một lần trong đời), chiếc xe ô tô cỡ lớn phủ sơn màu vàng vui mắt đã giúp cô He – một nhân viên làm việc trong ngành thương mại điện tử - chỉ mất hai phút để di chuyển từ giường đến bàn làm việc. Ngoài ra, việc sống trong xe ô tô đã tiết kiệm cho cô hàng nghìn nhân dân tệ mỗi tháng tiền thuê nhà ở giữa trung tâm công nghệ Thâm Quyến, một trong những thành phố đắt đỏ nhất của Trung Quốc.
Người phụ nữ 28 tuổi này là một trong số ngày càng nhiều thanh niên ở các thành phố lớn tìm kiếm phương án thay thế cho nhà ở truyền thống trước tình hình giá bất động sản cao ngất trời.
“Tôi thấy sống trong xe ô tô rất tự do. Điều đó không khiến tôi lo lắng về việc mua nhà hay khiến tôi cảm thấy mình cần phải ổn định cuộc sống... Có lẽ tôi sẽ chuyển đến một thành phố mới trong vài năm nữa”, cô He, người mới chuyển đến Thâm Quyến cách đây 4 tháng, chia sẻ với AFP.
Số tiền mà He bỏ ra hàng tháng để có chỗ ở đã giảm mạnh so với khi cô thuê một căn hộ, từ khoảng 2.500 nhân dân tệ (hơn 8 triệu đồng) xuống còn 600 nhân dân tệ (gần 2 triệu đồng), với phí đỗ xe chỉ 20 nhân dân tệ một ngày. Tuy nhiên, cô phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
Đối với anh Zhang Xi, người bắt đầu sống trong ô tô cùng vợ từ tháng 5 năm ngoái, vấn đề chi phí là yếu tố thúc đẩy để anh đưa ra lựa chọn này.
“Giá bất động sản ở Thâm Quyến nằm ngoài tầm với của những người bình thường như tôi”, anh nói với AFP.
Một khảo sát gần đây của một viện nghiên cứu bất động sản cho thấy tỷ lệ tiền thuê nhà trên thu nhập của người lao động ở Thâm Quyến đã lên tới 49% và vấn đề mua nhà thậm chí còn tồi tệ hơn.
Trung bình, các căn hộ đã qua sử dụng có giá 65.000 nhân dân tệ/mét vuông (khoảng 214 triệu đồng), gấp gần 9 lần mức lương trung bình hàng tháng trong lĩnh vực tư nhân của thành phố này.
Anh Zhang và vợ dự định sống trong xe trong thời gian họ chưa có con, tiết kiệm khoảng 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng tiền thuê nhà và đi lại. Họ hy vọng sẽ dùng số tiền đó để trả trước cho một căn hộ ở một thành phố giá rẻ hơn.
Trong câu chuyện của nhân viên văn phòng Li Conghui, bức tường màu trắng ấm áp trong “ngôi nhà di động” của anh Li gắn chặt một chiếc giường tầng, những bức vẽ và ảnh chụp các con. Những đứa trẻ đang sống với mẹ ở một thành phố khác.
Đại gia đình của anh không ủng hộ cách sống khác thường mà anh chọn lựa. Anh Li tâm sự: “Vợ tôi là người duy nhất không phản đối. Nhưng những người khác không hiểu nổi, họ nghĩ điều đó quá bất thường”.
Anh Li đã làm việc ở Thâm Quyến hơn một thập kỷ, nhưng dù vậy, anh vẫn không thể có cảm giác thân thuộc với thành phố này. Người đàn ông này cho biết: “Lúc còn sống trong một căn phòng thuê, tôi không cảm thấy như giống ở nhà mỗi khi trở về. Nhưng trong xe ô tô thì khác. Khi ở trong không gian riêng tư này tôi có cảm giác thân quen”.
Anh Zhang cũng đồng ý về quan điểm trên. Anh cảm thấy chiếc xe giống như một ngôi nhà thực sự thuộc về mình ở Thâm Quyến.