Các cuộc xung đột và bạo lực diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới đã khiến gần 60 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong năm 2014, nhiều hơn 8,3 triệu người so với số liệu công bố năm 2013 và đây là mức tăng cao nhất trong một năm.Người tị nạn Burundi sống trong các lều trại bên hồ Tanganyika, Tazania. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo báo cáo công bố ngày 18/6 của Liên hợp quốc, tình trạng bạo lực, xung đột, vi phạm nhân quyền đã đẩy số người tị nạn gia tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2013, con số này được thống kê ở mức 51,2 triệu người, trong khi cách đây một thập kỷ số người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trên toàn thế giới mới dừng ở mức 37,5 triệu người. Liên hợp quốc cho rằng nếu tính gộp số người đi lánh nạn trong năm 2014 sẽ tạo thành một quốc gia, dân số xếp thứ 24 trên thế giới.
Trong số gần 60 triệu người theo thống kê, có 19,5 triệu người tị nạn, 1,8 triệu người xin tị nạn và 38,2 triệu người phải sơ tán, rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ở trong nước. Hơn 50% trong số những người tị nạn năm 2014 là trẻ em, tăng so với mức 41% năm 2009. Trong khi tổng số người phải rời bỏ nhà cửa đã tăng tới 40% trong vòng 3 năm qua.
Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Antonio Guterres cho rằng thế giới đang phải chứng kiến sự thay đổi quá lớn, một làn sóng người tị nạn đang không thể ngăn cản nổi và vượt ra ngoài tầm kiểm soát do thế giới dường như chỗ nào cũng có chiến tranh. Ông Guterres nhấn mạnh riêng cuộc xung đột ở Syria và Iraq đã khiến 15 triệu người phải đi sơ tán.
Chỉ trong vòng 5 năm qua, có ít nhất 14 cuộc xung đột bùng phát hoặc tái diễn trên toàn thế giới. Hơn một nửa trong các cuộc xung đột này xảy ra ở châu Phi. Theo ông Guterres, Liên hợp quốc không có đủ khả năng, cũng như nguồn lực để giúp đỡ tất cả những nạn nhân của các cuộc xung đột.
Mặc dù vậy, ông Guterres vẫn kêu gọi các nước châu Âu tiếp tục mở cửa biên giới cho những người tị nạn. Thống kê của Liên hợp quốc cho biết năm 2014, đã có hơn 219.000 người tị nạn và di cư vào châu Âu qua biển Địa Trung Hải, gấp gần 3 lần so với mức 70.000 người trong năm 2011. Bất chấp những lo ngại về tình trạng người nhập cư trái phép vào châu Âu và một số quốc gia giàu có khác, làn sóng người di cư và tị nạn vẫn tiếp tục gia tăng trong năm ngoái. Báo cáo chỉ ra rằng 86% những người phải đi sơ tán vì nhiều lý do là thuộc các nước đang phát triển.