'Dùi mài kinh sử' trong xe ô tô

Colin Ashby là sinh viên năm cuối chuyên ngành Truyền thông đại chúng, chuyên ngành phụ là viết tại Đại học bang Texas (Mỹ). Colin còn là nhân viên tài chính tại chi nhánh Quan hệ công chúng cho sinh viên và nhân viên quan hệ phối hợp tại Câu lạc bộ truyền thông xã hội, bang Texas. Dưới đây là câu chuyện Ashby kể lại về quãng thời gian vượt khó ở đại học, một câu chuyện chắc chắn sẽ bổ ích với không ít sinh viên trước khi bước chân vào giảng đường.

Tất cả bắt đầu vào mùa thu năm đó, khi tôi chuẩn bị bước vào giảng đường Đại học bang Texas.

Tôi liếc nhìn lá thư hỗ trợ tài chính đến lần thứ tám. Sau khi thanh toán hết tiền học phí, tôi chỉ còn vài trăm USD trong tài khoản. Tôi không có tiền, cũng chẳng có nguồn hỗ trợ nào để thuê một phòng ký túc xá, điều mà sinh viên nào cũng mong đợi khi bước vào năm nhất.

Ngày nhập trường, tôi đi lang thang quanh sân trường một cách vô định. Rất nhiều sinh viên lên Facebook khoe về việc họ hào hứng thế nào khi nhập học. Hình ảnh quảng cáo đồ phục vụ năm học mới như MacBook, tivi màn hình lớn và những máy chơi điện tử Xbox tràn ngập trên trang Facebook của trường.

Trong khi những tân sinh viên khác chuyển vào ký túc xá, tôi ngồi lại trong xe, với chiếc ga trải giường dán băng keo to trùm lên các cửa sổ xe. Thời gian còn lại ngày hôm đó, tôi lang thang xung quanh khu sân trường và giả vờ như rất vui mừng về ngày nhập học. Khi màn đêm buông xuống, tôi đi ra bãi đỗ xe, trườn vào ghế sau và kéo tấm ga lên để không ai nhìn thấy mình trong xe. Thế rồi tôi ngủ thiếp đi.

Tôi chưa từng tưởng tượng được rằng mình sẽ sống trong xe ô tô trong suốt năm nhất đại học. Tôi là học sinh giỏi ở trường trung học, học chương trình tín chỉ đôi cho các lớp đại học và đã tích lũy được 44 giờ học đại học khi tốt nghiệp. Tôi cảm thấy tự tin có thể tìm ra nguồn chi trả học phí đại học.

Thế rồi thực tế không như vậy.

Tôi không giành được nhiều học bổng. Giá cả quá cao của phòng ký túc xá và những bữa ăn ở Texas làm tôi hoảng sợ. Tôi đã vay hết suất bang cho phép để trả học phí. Tôi tiếp tục nộp đơn xin học bổng khắp nơi mà cuối cùng vẫn không đủ tiền để thuê một phòng ký túc xá.

Lúc đó tôi quyết định sẽ sống trong xe ô tô. Trong suốt năm học, thư viện trở thành nơi tôi thường xuyên lui tới vì ở đó có điều hòa và Internet. Tôi dành tất cả thời gian buổi tối ở đó, học bài và thỉnh thoảng còn bắt chuyện với những người trông coi thư viện.

Ảnh minh họa



Ngồi trong chiếc xe ẩm ướt vào ban đêm, tôi thường kiểm tra đã tiêu pha bao nhiêu cho ăn uống và các khoản khác. Để có tiền thanh toán cho những hóa đơn này, tôi đã nhận làm việc ca đêm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau ở McDonalds. Sau khi tan ca lúc 5 giờ sáng, tôi thường tranh thủ chợp mắt một lát trước khi mở đôi mắt ngái ngủ để vào lớp học lúc 8 giờ.

Kết bạn là một thách thức thực sự. Bất cứ khi nào có ai hỏi tôi ở ký túc xá nào, tôi lại nói dối rằng mình sống gần trường. Mặc dù sống trong xe rõ ràng là có nhiều khó khăn hơn thuận lợi, tôi bắt đầu nhận thấy những lợi ích trong hoàn cảnh của mình. Thay vì phung phí những buổi chiều chỉ để ngủ trưa hay ngẫu hứng đi mua đồ ở WalMart, tôi vào thư viện và học. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh, tôi tới văn phòng giáo sư của mình và thảo luận về những khóa học.

Tôi bắt đầu tiếp cận phương pháp “học đi đôi với hành”.

Tôi tìm hiểu tất cả các chi phí trong cuộc sống. Nếu tiết kiệm, tiền ăn 1 ngày ở Texas sẽ chỉ mất khoảng 14USD. Nhiều phòng ký túc xá của trường có giá 3.000 USD trở lên trong một học kỳ. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên không tận dụng được rất nhiều dịch vụ bao gồm trong tiền học và phí sinh hoạt. Tôi hiếm khi thấy tân sinh viên nào sử dụng văn phòng dịch vụ nghề nghiệp hay tham gia vào các tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp dành cho sinh viên của trường. Tôi đã đi vào con đường ít ai tới và hoàn thành năm học đầu tiên với những mục tiêu cá nhân và sự nghiệp mình muốn đạt được trong tương lai.

Khi năm học kết thúc vào tháng 5, tôi ngẫm lại và không thể tin rằng sống trong xe ô tô lại mang lại nhiều lợi ích như vậy. Dù không được ở trong một căn phòng tiện nghi như nhiều bạn khác, tôi đã bắt đầu nắm bắt các cơ hội xung quanh mình.

Các giáo sư đã rất vui mừng khi tôi ghé qua vào giờ làm việc của họ. Tôi là một trong số ít tân sinh viên sử dụng văn phòng dịch vụ sự nghiệp và đi đến các hội chợ việc làm. Do tích lũy nhiều tín chỉ đại học khi còn ở trung học, tôi sẽ có thể tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân tháng 12 này sau chỉ 2 năm rưỡi học Đại học, thay vì 4 hay 5 năm như thông thường.

Bởi vậy, tôi có một lời khuyên cho các bạn sắp trở thành tân sinh viên. Đó không chỉ là lời khuyên mà các bạn hay nghe như “học có tổ chức” hay “học một cách thông minh”, mà là hãy nắm bắt cơ hội xung quanh bạn. Đừng dành buổi chiều “bất tận” để ngủ hay xem Netflix. Hãy tới các dịch vụ nghề nghiệp, khám phá mô tả công việc, tham gia thực tập. Tất cả những cố gắng này chắc chắn sẽ là khoản đầu tư hoàn hảo cho thời gian và tương lai của bạn.


Hạnh Nhân (Theo USA Today)










Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN