“Chúc mừng Năm Mới” - đó là câu nói xuất hiện nhiều nhất trong những ngày đầu năm mới. Đây cũng là dịp để mọi người, bất kể nguồn gốc, quốc tịch, văn hóa…, tổ chức ăn mừng. Năm Mới là thời điểm tốt nhất để mọi người cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Ai cũng hy vọng Năm Mới đến sẽ mang tới tình yêu, hạnh phúc, của cải và may mắn. Và mỗi nước, mỗi dân tộc, mỗi vùng lại có những phong tục đón Năm Mới khác nhau.
Ném bát, đĩa mẻ vào nhà người thân
Cũng như các nước châu Âu khác, người Đan Mạch coi Năm Mới là một trong những ngày quan trọng nhất trong năm. Trong dịp này, mọi người tổ chức rất nhiều lễ hội nhằm quảng bá văn hóa truyền thống của đất nước cũng như lưu truyền các phong tục này cho thế hệ sau.
Bắn pháo hoa là hoạt động không thể thiếu trong dịp Năm Mới ở Đan Mạch. Khi thời khắc giao thừa đến, tất cả các nơi trên bầu trời Đan Mạch đều tràn đầy ánh sáng của pháo hoa. Ngoài các địa điểm bắn pháo hoa do Nhà nước tổ chức, hầu như tất cả các gia đình ở Đan Mạch đều chuẩn bị những quả pháo hoa cho riêng mình. Mọi người sẽ tụ tập cùng nhau ca hát, nhảy múa và tổ chức các lễ hội tưng bừng.
Bữa cơm đón Năm Mới của người Đan Mạch thường có cá rán, thịt quay với canh cải hầm, với ý nghĩa mang lại may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc cho năm tới. Tất nhiên, rượu champagne không thế thiếu trong dịp này. Đối với tráng miệng, món bánh nhẫn truyền thống còn có tên gọi kransekagen, luôn phải có. Chiếc bánh này có hình nón được làm từ nhiều chiếc bánh hình nhẫn xếp lên nhau, bên ngoài cứng và giòn, còn bên trong rất mềm và mịn.
Một phong tục độc đáo của người Đan Mạch trong dịp đón Năm Mới là ném đĩa vỡ vào cửa nhà người thân. Từ trong năm, mọi người đã cố gắng tích trữ thật nhiều bát đĩa sứt mẻ. Đợi đến lúc giao thừa, mọi người sẽ dùng số bát đĩa mẻ này ném vào nhà bạn bè, người thân. Nhà nào càng có nhiều đĩa, cốc, chén vỡ trước cửa nhà càng được xem là nhiều may mắn vì điều đó có nghĩa là họ có nhiều bạn bè thân thiết.
Càng ồn càng tốt
Người Ai Cập cổ đại tổ chức Năm Mới vào mùa hè, khi sông Nile tràn bờ mang nước và phù sa màu mỡ đến với vùng đất này. Tuy nhiên, ngày nay, người Ai Cập cũng đón Năm Mới vào ngày 1/1.
Do phần lớn người Ai Cập theo đạo Hồi, nên Năm Mới chỉ chính thức bắt đầu khi mặt trăng có hình lưỡi liềm và thông báo chính thức được phát đi từ nhà thờ Muhammed Ali ở thủ đô Cairô. Sau khi có thông báo trên, các thủ lĩnh tôn giáo, trước đó đứng đợi bên ngoài nhà thờ, sẽ lan truyền tin này tới người dân. Ngày hôm ấy, tất các gia đình, ngay cả gia đình nghèo nhất, cũng cố tổ chức một bữa ăn thịnh soạn. Mọi người sẽ được thưởng thức các món bánh truyền thống. Trong khi những cậu bé nhận được chiếc bánh có hình một thanh niên cưỡi ngựa, thì các cô bé lại nhận được chiếc bánh hình cô gái với trang phục sặc sỡ. Những chiếc bánh này và các món quà khác được đựng trong những chiếc túi giấy nhiều màu sắc, trông vô cùng bắt mắt.
Năm Mới tới, mọi người đều mặc quần áo đẹp. Các cô gái, ngày thường chỉ mặc trang phục đen theo quy định của Hồi giáo, trong dịp này cũng sẽ khoác lên người những bộ quần áo màu sắc rực rỡ. Thông thường, mọi người sẽ dành thời gian đi thăm gia đình, bạn bè, người thân cùng với các món quà chúc mừng Năm Mới. Một số ngôi làng ở vùng nông thôn Ai Cập có phong tục vào ngày đầu Năm Mới, người đứng đầu gia đình sẽ đến chúc Tết các nhà hàng xóm. Trên đường đi, người chủ các gia đình khác cùng gia nhập vào đoàn người đi chúc Tết và việc chúc Tết chỉ kết thúc khi tất cả những người đứng đầu các gia đình trong làng đều có mặt. Khi đó, họ cùng nhau đến nhà già làng tổ chức ăn uống và chúc tụng một Năm Mới an bình và thịnh vượng.
Làm ồn cũng là một tục lệ lâu đời, thú vị trong dịp đón Năm Mới ở Ai Cập. Người ta quan niệm rằng, tiếng động là điều cần thiết để xua đuổi ma quỷ của năm cũ. Có nhiều cách để tạo ra những tiếng động, càng to càng tốt: đập các cây gậy vào nhau, đánh trống, thổi kèn, đốt pháo bông…
Ở một số vùng nông thôn khác, người dân có phong tục cúng các loại hạt thu hoạch được như đậu tương, đậu côve, lúa mì... Ngoài ra, họ còn cúng những mầm cây tươi của một số loài khác để tượng trưng cho sự sung túc, dư giả. Người Ai Cập quan niệm, cúng thần linh càng nhiều lễ vật, mùa màng trong Năm Mới sẽ càng bội thu.
Viết điều ước rồi đốt
Được coi là lễ hội quan trọng nhất trong năm, người Vênêxuêla tổ chức đón Năm Mới hết sức hoành tráng, khắp nơi trên cả nước đều được trang hoàng lộng lẫy với đủ màu sắc. Đó cũng chính là lý do thu hút nhiều người trên thế giới đổ về Vênêxuêla vào dịp Năm Mới.
Một trong những phong tục đón Năm Mới độc đáo ở Vênêxuêla là viết điều ước rồi đốt đi. Người dân Vênêxuêla tin rằng ngày đầu năm sẽ đem lại nhiều may mắn, vì thế họ thường viết những lá thư cầu may. Đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và Năm Mới, mọi người cùng nhau đốt tất cả những lá thư đã viết. Họ tin rằng làm như vậy, mọi điều ước sẽ trở thành hiện thực trong Năm Mới.
Người dân Vênêxuêla cũng có phong tục mặc đồ lót màu vàng vào dịp Năm Mới với niềm tin điều này sẽ mang lại may mắn. Vào đêm giao thừa, người Vênêxuêla cũng có thói quen ăn 12 quả nho để cầu may mắn. Người Vênêxuêla còn có phong tục xách vali đi ra khỏi nhà lúc giao thừa vì tin rằng làm như vậy sẽ được đi du lịch nhiều hơn trong năm tới.
Âm nhạc được coi là thứ không thể thiếu trong dịp Năm Mới ở đất nước Nam Mỹ này. Trong những ngày đầu tiên của năm, các ban nhạc hoạt động hết công suất, tạo nên một bầu không khí lễ hội vô cùng náo nhiệt. Điều đáng chú ý, người Vênêxuêla thường tổ chức hội chợ hàng thủ công trong những ngày đầu Năm Mới. Đây là dịp để những người thợ thủ công khoe những mặt hàng tinh xảo, thể hiện nét văn hóa truyền thống của đất nước, con người Vênêxuêla. Du khách có thể chọn nhưng món hàng rất có ý nghĩa để làm kỷ niệm.
Đón Năm Mới ở... nghĩa trang
Người dân Chilê đón Năm Mới với những phong tục như cho chiếc nhẫn vàng vào trong chai rượu champagne để uống trong đêm giao thừa, ăn một thìa đậu lăng vào lúc giao thừa, để tiền vào giầy trong đêm giao thừa... với hy vọng của cải, tiền bạc dồi dào trong Năm Mới. Ngoài ra, người Chilê còn có phong tục ăn 12 quả nho trùng với 12 tiếng chuông điểm lúc giao thừa. Tượng trưng cho 12 tháng trong năm, quả nho ngọt đồng nghĩa với một tháng tốt lành, còn quả nho chua có nghĩa là tháng đó không tốt.
Một số vùng ở Chilê có phong tục đốt những cây nến nhiều màu sắc trong đêm giao thừa. Mỗi màu sắc có mang một ý nghĩa riêng: màu xanh dương tượng trưng cho hòa bình, màu vàng mang lại sự giàu có, màu đỏ thể hiện sự đam mê, màu xanh lá cây mang đến sức khỏe… Tất nhiên mọi người sẽ kiêng màu đen vì nó tượng trưng cho sự đen tối, hắc hám.
Giống như một số nước Nam Mỹ khác, người dân Chilê cũng có phong tục mặc quần lót màu vàng vào đêm giao thừa với niềm tin sẽ có một Năm Mới hạnh phúc và sung túc.
Tại Talca, một thị trấn nhỏ ở Chilê có một phong tục rất đặc biệt: Đón Năm Mới cùng với những người thân đã khuất. Các cánh cửa của nghĩa trang sẽ được mở vào lúc 23 giờ của đêm giao thừa và mọi người mang theo đèn kiểu truyền thống cùng nến để tạo nên một bầu không khí ấm cúng ở... nghĩa trang. Người dân Talca tin rằng, người đã khuất muốn đón Năm Mới cùng những người thân yêu trong gia đình. Tục lệ này bắt đầu từ khi một gia đình ở địa phương tổ chức đón Năm Mới ngay cạnh ngôi mộ của bố họ.
Lê Hải (tổng hợp)