Mùa đông 1941-1942 là một trong những mùa đông lạnh nhất lịch sử nước Nga và cũng là một trong những mùa đông đáng sợ nhất: Sau các cuộc tấn công vào Liên Xô, quân đội Đức Quốc xã chỉ còn cách trung tâm Moskva 30 km. Khi đó, hàng trăm nghìn người Moskva đã tình nguyện ghi tên tham gia chiến đấu chống phát xít, trong đó có những người Việt Nam.
Nhà Việt Nam học người Nga Anatoly Sokolov đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu về những chiến sỹ người Việt này. Ông cho biết ngay sau khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Ban chấp hành Quốc tế cộng sản đã đề nghị với Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô thành lập một trung đoàn quốc tế đặc biệt với các lữ đoàn. Trong phiên chế trung đoàn này có gần như tất cả những nhân vật chính trị nước ngoài sống ở Liên Xô thời gian đó. Các lữ đoàn được thành lập ở Moskva và tham gia bảo vệ thủ đô Liên Xô. Bản thân Quốc tế cộng sản và nhà cộng sản lỗi lạc người Bungary, Georgi Dimitrov ủng hộ đề xuất này và hoạt động quân sự của Lữ đoàn xạ kích cơ động đặc nhiệm (OMSBON) bắt đầu vào tháng 10/1941.
Binh sĩ trong Lữ đoàn OMSBON, mùa hè năm 1942. |
Trung tướng quân đội Bungary, Đại tá quân đội Liên Xô I. S. Vinarov là người đầu tiên đề cập tới sự tham gia của các chiến sĩ quốc tế tại cuộc chiến bảo vệ Moskva trong cuốn sách "Các chiến binh mặt trận thầm lặng" của ông. Sự tham gia của người nước ngoài trong các trận đánh ở cửa ngõ Moskva cũng được chỉ huy quân sự Liên Xô nổi tiếng S. M. Shtemenko đề cập tới. Một số thông tin về hoạt động của OMSBON trong những năm tháng chiến tranh được ghi lại trong cuốn sách xuất bản 3 lần "Những người Dynamo trong trận chiến bảo vệ tổ quốc".
Thành phần ban đầu của trung đoàn quốc tế, với chính trị viên là Ivan Tsolovich Vinarov, gồm chưa đến 1.000 người các quốc tịch Tây Ban Nha, Séc, Áo, Ba Lan, Bungary và những nước khác. Trong số những công dân nước khác này, tác giả cuốn sách nêu tên 6 người Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, thông tin về họ vô cùng ít ỏi, và độ chính xác của thông tin cũng chỉ tương đối.
Ngay trước Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, một nhóm người Việt nhỏ sống tại Liên Xô, trong đó có các sinh viên Đại học cộng sản người lao động phương Đông (KUTV). Không có thông tin về nhóm người này, điều này cho phép giả định rằng họ có thể học tại các trường quân sự bí mật và theo nhà Việt Nam học Sokolov, các học viên này cũng có thể được huy động vào OMSBON. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các tài liệu khác liên quan đến OMSBON lưu trữ trong các kho lưu trữ của Nga (kể cả lưu trữ quân đội), lại không thấy tên những người Việt trong danh sách các chiến sĩ quốc tế. Hơn nữa, theo hồi ức của những người lính Liên Xô thuộc OMSBON, do mục đích bảo mật, người Việt có thể được đăng ký như người Kazakhstan, người Uzbekistan hoặc đại diện châu Á khác của các dân tộc Liên Xô.
Sau nhiều năm, nhờ kết quả nỗ lực tìm kiếm chung của các nhà nghiên cứu Liên Xô và Việt Nam, đã xác định được tên của họ - tổng cộng 5 người: Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo, Lý Thục Chắt và Lý Phú San. Họ là những người tình nguyện gia nhập Hồng quân và hầu như tất cả đã hy sinh anh dũng trong trận đánh ở ngoại ô Moskva giai đoạn từ tháng 10/1941 đến tháng 1/1942.
Cho tới tận ngày nay, nhiều điểm trong tiểu sử của họ vẫn chưa rõ ràng. Các nhà nghiên cứu Việt Nam tháng 9/1956 đã xác định được tên 3 liệt sĩ người Việt. Đó là Lý Thục Chắt, Lý Nam Thanh và Lý Anh Tạo. Họ được cho là học ở Moskva và hy sinh trên chiến tuyến phía Nam bảo vệ Moskva.
Trao đổi với chúng tôi, nhà Việt Nam học Sokolov cho biết để có thể biết rõ tên thật những liệt sĩ Việt Nam này đòi hỏi nỗ lực tích cực và thời gian không ít từ các nhà nghiên cứu tâm huyết của cả Việt Nam và Nga. Tuy nhiên, chỉ việc đề cập tới họ trong những năm tháng đó cũng đáng để chúng ta tự hào về hành động anh hùng của những người lính cộng sản Việt Nam đầu tiên góp phần làm nên chiến thắng hào hùng cho nước Nga.
Duy Trinh