Đằng sau việc phế truất Tổng thống Paragoay

Việc Thượng viện Paragoay vừa bỏ phiếu miễn nhiệm đối với Tổng thống Fernando Lugo, đưa Phó Tổng thống Federico Franco thuộc đảng Tự do lên tạm nắm quyền điều hành đất nước khi chỉ còn khoảng 10 tháng là đến kỳ bầu cử đang đẩy quốc gia Nam Mỹ này vào một cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng trầm trọng hơn.


 

Dân chúng biểu tình tại thủ đô Axunxiôn ngày 23/6 phản đối việc phế truất Tổng thống Fernando Lugo. Ảnh: THX/TTXVN

 

Dư luận trong và ngoài khu vực đã đồng loạt phản ứng mạnh với diễn biến chính trị tại Paragoay. Tổng thống (có tư tưởng cánh tả) bị bãi miễn Fernando Lugo ngày 24/6 đã gọi việc ông bị phế truất là một vụ đảo chính và một cái án được định trước mà quốc hội nước này dành cho ông.


Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng sau khi bị phế truất hôm 22/6, ông Lugo một lần nữa chỉ trích quyết định của quốc hội nước này và cho biết ông không bao giờ chấp nhận quyết định này nhân danh hòa bình. Trước khoảng 500 người ủng hộ trong một cuộc biểu tình ở đường phố thủ đô Axunxiôn, ông Lugo nói: "Quốc hội đã không loại bỏ tôi mà loại bỏ nền dân chủ. Họ không tôn trọng ý nguyện của nhân dân". Ông Lugo gọi đây là hành động không công bằng và kêu gọi biểu tình hòa bình phản đối cuộc đảo chính trá hình. Ông cũng cho biết sẽ tiếp tục hoạt động chính trị và không loại trừ khả năng tranh cử vào Thượng viện trong cuộc tổng tuyển cử năm tới. Ông dự báo trong cuộc bầu cử ngày 21/4/2013, các lực lượng tiến bộ sẽ lặp lại chiến thắng đã giành được cách đây 4 năm.


Trong khi đó, Tổng thống mới tuyên thệ Franco cho rằng cuộc chuyển giao quyền lực ở Paragoay là hoàn toàn hợp hiến. Ông bày tỏ hi vọng ông Lugo sẽ hỗ trợ ông kiềm chế phản ứng tiêu cực của cộng đồng quốc tế với sự thay đổi quyền lực ở Paragoay.
Tuy nhiên, đến nay chưa có chính phủ nước ngoài nào công nhận chính phủ mới ở Paragoay. Braxin, Áchentina và Urugoay đã triệu hồi đại sứ về nước để tham vấn. Bộ Ngoại giao Braxin trong một tuyên bố nói rõ: "Chính phủ Braxin lên án việc bãi nhiệm tổng thống Paragoay ngày 22/6, trong đó tổng thống không được đảm bảo quyền tự bảo vệ". Tổng thống Áchentina Cristina Fernandez cũng rút đại sứ tại Paragoay về nước và gọi vụ việc là một cuộc đảo chính. Một loạt nước như Bôlivia, Êcuađo, Cuba, Chilê, Vênêxuêla, Nicaragoa tuyên bố không công nhận chính phủ Paragoay mới.


Tin về cuộc khủng hoảng chính trị ở Paragoay đã tràn ngập báo chí Mỹ Latinh, trong đó các tờ báo đều đồng loạt chỉ trích việc bãi nhiệm ông Lugo. Tờ La Nacion của Áchentina cho rằng quốc hội Paragoay vừa có hành động "tự sát chính trị". Tờ Tiempo Argentino gọi đây là một "cơn địa chấn chính trị" và cáo buộc quốc hội Paragoay lạm dụng quyền lực.

 

Nguyên nhân cuộc phế truất bất ngờ


Cái cớ mà lực lượng cánh hữu và bảo thủ trong Thượng viện đưa ra nhằm phế truất ông Lugo khỏi chiếc ghế tổng thống bắt nguồn từ một vụ đụng độ đẫm máu giữa lực lượng cảnh sát với một nhóm nông dân không có đất tại huyện Curuguaty, tỉnh Canindeyu. Vụ việc xảy ra vào sáng sớm ngày 15/6/2012, khi hơn 200 cảnh sát được trang bị vũ khí với sự hậu thuẫn của lực lượng phản ứng nhanh đột nhập vào khu trang trại rộng khoảng 2.000 ha nhằm giải tỏa hàng trăm nông dân đang cố thủ bên trong để đòi quyền lợi về đất đai. Cuộc giáp chiến không cân sức này đã khiến 17 người bị thiệt mạng, trong đó có 6 sĩ quan và nhân viên cảnh sát, và khoảng 80 người khác bị thương, đa số là nông dân. Khu điền trang trên là tài sản của Blas N. Riquelme, cựu Thượng nghị sĩ thuộc đảng bảo thủ Colorado, một chính đảng đối lập ở Paragoay.


Ngay sau thảm kịch, dưới sức ép của các phần tử thân hữu, đặc biệt là chủ tịch Thượng viện Jorge Oviedo Matto, Tổng thống Lugo buộc phải cách chức Bộ trưởng Nội vụ và Tư lệnh cảnh sát, những người được xem là các đồng minh thân tín nhất của ông. Tuy nhiên, tình hình không dừng lại ở đó. Phái bảo thủ và cực hữu thuộc đảng Colorado trong quốc hội nhân cơ hội này muốn “nhổ tận gốc” tư tưởng “cải cách ruộng đất ” và phân chia lại tài sản đang ấp ủ trong lòng ông Lugo bằng việc đổ hết trách nhiệm cho ông về vụ thảm sát tại Curuguaty. Họ đã không bỏ lỡ thời cơ gán thêm cho ông nhiều “tội danh” khác, như có mối quan hệ mật thiết với một số chính phủ theo đường lối cánh tả Mỹ Latinh; có thiện cảm và ngấm ngầm ủng hộ những người nông dân chiếm điền trang trong vụ Curuguaty...


Do đó, nguyên nhân sâu xa dẫn tới vụ đụng độ ở Curuguaty và tiếp theo là sự ra đi của Tổng thống Lugo chính là tranh chấp đất đai. Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban vì Sự thật và Công bằng (CVJ), trong suốt 35 năm cầm quyền, chế độ độc tài quân sự của Alfredo Stroessner đã giao một cách bất hợp pháp gần 7 triệu ha đất canh tác cho các chủ đồn điền, gia đình và người thân của giới quan chức trong chính phủ.


Cũng liên quan đến vấn đề này, nhà sử học Milda Rivarola cho rằng quá trình chuyển tiếp nền dân chủ tại Paragoay đã vấp phải một trở ngại lớn khi phần lớn đất đai nằm trong tay một số người giàu có và đất nước tiếp tục bị thao túng bởi các phần tử cánh hữu, với sự trợ giúp đắc lực của giới điền chủ. Đây là một vấn đề chưa được giải quyết từ khi Paragoay bước vào quá trình dân chủ, và hiện tại sẽ càng khó khăn hơn khi đất đai ở các vùng nông thôn đang ngày một có giá trước sự phát triển nhanh chóng của công - nông nghiệp.


Trên thực tế, việc ông Lugo thắng cử tổng thống năm 2008 được nhìn nhận như một thắng lợi của tư tưởng cánh tả ở Paragoay sau 61 năm dưới ách thống trị của đảng Colorado bảo thủ, chỉ lo quan tâm đến lợi ích của một nhóm thiểu số tư sản và điền trang giầu có. Giới chủ và các chủ đồn điền trên cả nước bắt đầu lo ngại về khả năng Tổng thống Lugo sẽ tiến hành một cuộc cải cách triệt để và phân chia lại đất đai, tài sản như đã từng hứa trong khi tranh cử. Tuy nhiên, do thế yếu trong Thượng viện, ông không thể đưa ra những quyết sách nhằm mở đường cho một cuộc cải cách sâu rộng về đất đai.


Trong khi đó, đảng Tự do của Phó Tổng thống Franco trong liên minh cầm quyền bắt đầu có dấu hiệu xa lánh Tổng thống Lugo do có sự khác biệt lớn về tư tưởng. Việc ông Franco tách khỏi chính phủ liên minh cầm quyền là một nước cờ đã được tính toán trước nhằm củng cố lực lượng cho một cuộc chiến cam go trước đối thủ tiềm năng hơn là đảng Colorado trong kỳ bầu cử vào năm tới. Đây cũng là một trong các yếu tố dẫn đến kết cục thảm bại đối với ông Lugo, khi ông buộc phải ra đi khi chưa kết thúc nhiệm kỳ tổng thống với bao ý nguyện tốt đẹp chưa kịp hoàn thành.

 

Thu Hoạch (P/v TTXVN tại Cuba) - Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN