“Hãy nhìn thẳng vào mắt tôi, thả lỏng cơ thể và thư giãn...”, đó không phải lời nói của một nhà thôi miên mà là của một lính cứu hỏa Pháp với nạn nhân trong vụ tai nạn.
Lính cứu hỏa tại Haguenau thực tập thôi miên một nạn nhân với giả định bị mắc kẹt trong xe ô tô do tai nạn. Ảnh: AFP - TTXVN |
Tại trạm cứu hỏa Haguenau (tỉnh Bas - Rhin, thuộc vùng Alsace, phía đông nước Pháp), 120 lính cứu hỏa đang được đào tạo những kỹ thuật thôi miên cơ bản mà họ sẽ sử dụng để trấn an nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong một vụ sập nhà hoặc là một người đang lên cơn hen cấp. Cecile Colas - Nguyen, một thành viên của đội cứu hỏa, đồng thời là người đào tạo thôi miên, chia sẻ: “Đó là những lời nói, cử chỉ và kỹ thuật thở với mục đích giúp nạn nhân giảm cơn đau và sự lo lắng. Tuy nhiên, thôi miên không thể hoàn toàn thay thế phương pháp cấp cứu truyền thống mà chỉ bổ sung hoàn hảo cho quá trình cấp cứu”.
Khi lính cứu hỏa đến hiện trường tai nạn, họ thường lập tức trực tiếp tìm cách giải quyết vấn đề liên quan đến chấn thương và giải thoát nạn nhân. Còn đối với những lính cứu hỏa được đào tạo về thôi miên, họ sẽ hành động theo hướng tạo sự kết nối với nạn nhân, chuyển chú ý của nạn nhân khỏi sự thảm khốc tại hiện trường. Do vậy, họ thường nói giọng điềm tĩnh, có nhịp điệu và tránh những từ ngữ tiêu cực. Thay vì chú trọng vào nỗi đau của nạn nhân, lính cứu hỏa nhấn mạnh tới cuộc sống của họ. Chẳng hạn, đối với một người yêu thích môn trượt tuyết, nhà thôi miên sẽ hướng nạn nhân tưởng tượng rằng họ đang thả mình dọc theo một sườn núi phủ đầy tuyết trắng.
Người quản lý trạm Haguenau, David Ernenwein, cho biết kết quả của phương pháp thôi miên rất thuyết phục. Ông nhận định: “Khi chúng ta cầm tay một ai đó, mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn ngay cả khi chúng ta không gán mác “thôi miên” cho điều đó. Việc đầu tiên mà chúng ta có thể làm để giúp đỡ người khác là trấn an họ và phương pháp thôi miên tạo ra khả năng làm điều đó”.
Thực tế đã chứng minh tính hữu ích của phương pháp thôi miên. Trong ít nhất 6 tháng, trạm cứu hộ Haguenau đã lưu lại các ghi chép về nhịp đập của tim, mức độ đau đớn hoặc cảm xúc của nạn nhân mà họ đã sử dụng biện pháp thôi miên hỗ trợ cứu giúp. Số liệu sau đó sẽ được đem so sánh với số liệu của các nạn nhân khác được lính cứu hỏa cứu hộ bằng phương pháp truyền thống.
Cecile Colas - Nguyen cho hay: “Đánh giá ban đầu của chúng tôi cho thấy biện pháp thôi miên đã mang lại rất nhiều lợi ích. 100% trường hợp nói rằng họ cảm thấy sự thay đổi về thời gian, cụ thể là thời gian được rút ngắn hơn so với thực tế”.
Hiện phương pháp thôi miên mới chỉ được thử nghiệm tại vùng Alsace nhưng có ý kiến cho rằng, lực lượng cứu hỏa trên khắp nước Pháp cần sử dụng phương pháp này. Trong khi đó, cũng có ý kiến tỏ ý thận trọng về những thử nghiệm tại Alsace. Stephane Donnadieu, một lính cứu hỏa được đào tạo y tế, cho rằng: “Thôi miên thực sự có hiệu quả nhưng chúng ta cần những người được đào tạo đầy đủ phương pháp này. Đó là điều khó khăn bởi lực lượng cứu hỏa chỉ được đào tạo trong một thời gian ngắn”. Theo Donnadieu, một thử thách nữa được đặt ra là liệu lực lượng lính cứu hỏa có thể sử dụng kỹ năng thôi miên một cách thành công trong những tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, Colas - Nguyen khẳng định: “Không có vấn đề gì! Chúng tôi có thể giúp các nạn nhân tự tách mình khỏi khung cảnh tồi tệ của tai nạn xung quanh họ”.
Hà Linh (theo AFP)