Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin các nhà khoa học từ lâu đã nắm được rằng dịch trong cơ thể bệnh nhân ung thư thường có mùi khác biệt với người khỏe mạnh. Do vậy, đã có nhiều nơi huấn luyện chó để phát hiện bệnh trong các mẫu hơi thở hoặc nước tiểu của người.
Nhưng công ty Nhật Bản Hirotsu Bio Science đã chỉnh sửa gien của một loại giun tròn có tên "C. elegans" thường chỉ có kích cỡ 1 millimet. Loại giun tròn này có phản ứng về mùi rất chính xác. Do vậy có thể sử dụng "C. elegans" để phát hiện ung thư tụy ở người, vốn là loại ung thư khó xác định sớm.
CEO của Hirotsu Bio Science-ông Takaaki Hirotsu ngày 16/11 nói: “Đây là tiến bộ công nghệ chính”.
Thử nghiệm với giun tròn “C. elegans” không đồng nghĩa với chẩn đoán ung thư tụy nhưng có thể đẩy mạnh tầm soát thường xuyên bởi mẫu nước tiểu thường dễ thu thập được tại nhà thay vì phải đến bệnh viện.
Dịch COVID-19 khiến nhiều người không muốn đến các cơ sở y tế. Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, các bệnh nhân Nhật Bản cũng ít tầm soát ung thư hơn người dân ở các nước phát triển khác.
Người đứng đầu trung tâm nghiên cứu của Hirotsu Bio Science, ông Eric di Luccio nói: “Đây là sự đột phá… Mọi người cần thay đổi cách họ suy nghĩ về tầm soát ung thư”.
Hirotsu Bio Science cùng Đại học Osaka đã nêu chi tiết về việc phát hiện sớm ung thư tụy nhờ giun tròn "C. elegans" qua một bài đăng trên tạp chí Oncotarget trong năm nay.
Giảng viên Tim Edwards tại Đại học Waikato (New Zealand) từng nghiên cứu về khả năng phát hiện ung thư phổi của loài chó, nhận định việc tận dụng giun tròn để phát hiện ung thư là “có tiềm năng”.
Ông Edwards nhấn mạnh rằng không giống loài chó, giun không cần phải đào tạo để có thể ngửi được mầm mống của ung thư ở bệnh nhân.