Nếu từng xem qua bộ phim khoa học viễn tưởng "Minority Report" năm 2002 của đạo diễn Steven Spielberg, bạn hẳn đã rất thích thú khi các nhà điều tra có thể dự báo và ngăn chặn các vụ giết người trước khi nó diễn ra. Tưởng chỉ có trong phim, nhưng công nghệ dự báo tội phạm này đã được các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng trong thực tế.
Công nghệ dự báo tội phạm đã hỗ trợ hiệu quả cho cảnh sát Mỹ trong công tác phòng chống tội phạm. Ảnh: Internet |
Công nghệ này sử dụng phần mềm phân tích dự báo dựa trên các thuật toán. Sở cảnh sát từ thành phố Santa Cruz, bang California tới thành phố Memphis, bang Tennessee (Mỹ) tới các cơ quan cảnh sát ở Ba Lan hay Anh đều đã sử dụng công nghệ này để tăng cường công tác chống tội phạm.
Cơ sở của công nghệ này rất đơn giản: tội phạm thường hoạt động theo một xu hướng nào đó và cảnh sát dùng phần mềm để xác định xem tội phạm sẽ xảy ra ở đâu và tìm cách ngăn chặn nó. Công nghệ dự báo này cũng được các tập đoàn như Wal-Mart và Amazon dùng để xác định xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.
Bà Colleen McCue, một nhà khoa học về hành vi thuộc công ty GeoEye - công ty hợp tác với Bộ An ninh nội địa Mỹ và cơ quan pháp luật địa phương về vấn đề phân tích dự báo, cho rằng nghiên cứu hành vi tội phạm không khác mấy so với đánh giá các kiểu hành vi khác như mua sắm. Bà Colleen nhận định: "Con người là sinh vật có thói quen. Khi bạn đi mua sắm, bạn tới nơi có thứ mà bạn đang tìm mua. Tội phạm cũng muốn tới nơi hắn sẽ thực hiện tội phạm thành công". Bà Colleen cho rằng công nghệ dự báo tội phạm có thể hiệu quả ở những thành phố mà do ngân sách eo hẹp nên buộc phải cắt giảm nhân lực tuần tra.
Chìa khóa thành công của công nghệ dự báo tội phạm là thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt để xác định đặc điểm tội phạm. Điều này đặc biệt có ích khi ngăn ngừa tội phạm trộm cắp tài sản như ăn trộm ô tô hay đột nhập nhà.
Ông Mark Cleverly, giám đốc bộ phận phân tích tội phạm dự báo của IBM, cho biết một mô hình có thể gồm các nhân tố như thời gian nào trong năm, thời tiết nóng hay lạnh, ngày lĩnh lương hay ngày thường. Tuy nhiên, ông Mark khẳng định không thể nói rằng tội phạm sẽ chỉ xảy ra vào một thời gian hay tại một địa điểm cụ thể nào đó, mà chỉ có thể dự báo xu hướng tội phạm dựa trên những thông tin đã biết.
IBM đã phối hợp với hàng loạt cơ quan như Sở cảnh sát Luân Đôn (Anh), Cảnh sát quốc gia Ba Lan và một số sở cảnh sát ở các thành phố thuộc Mỹ hay Canađa. Ở Memphis, các quan chức cho biết, tội phạm nghiêm trọng đã giảm 30% và tội phạm bạo lực giảm 15% kể từ khi áp dụng công nghệ phân tích dự báo trong một chương trình phối hợp với IBM và Đại học Memphis năm 2006.
Chương trình này mang tên CRUSH (Giảm tội phạm nhờ sử dụng dữ liệu thống kê), nhằm vào các điểm nóng cụ thể để tăng hiệu quả. Theo ông John Williams, giám đốc phân tích tội phạm thuộc Sở cảnh sát thành phố Memphis, công nghệ dự báo tội phạm có hiệu quả to lớn, giúp Memphis ra khỏi danh sách những thành phố nhiều tội phạm nhất nước Mỹ. Ông John nói: "Nếu dữ liệu chỉ ra một điểm nóng nào đó, chúng tôi có thể ngay lập tức triển khai nhân lực tới đây. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi đã bắt giữ đúng đối tượng nhờ có mặt đúng nơi đúng lúc".
Mặc dù bằng bản năng, cảnh sát tuần tra có thể cũng làm được điều đó nhưng ông John cho rằng phần mềm sẽ cho kết quả chính xác hơn. Trong một trường hợp, phần mềm dự báo đã giúp cảnh sát phá một nhóm có vũ trang định cướp cộng đồng người Tây Ban Nha và Bồ Đào nha ở Memphis.
Theo kinh nghiệm của cảnh sát Memphis, mỗi khi bắt được một nhóm trộm, họ lại có manh mối lần ra các vụ trộm tiếp theo. Cảnh sát ở những nơi như Hồng Công (Trung Quốc) hay Rio de Janeiro (Nam Phi) và Extônia cũng đã tới học hỏi kinh nghiệm ở Memphis.
Ở Los Angeles, các nhà khoa học trường Đại học California-Los Angeles và Đại học Santa Clara cũng đã phát triển một chương trình để thử nghiệm trong một khu vực. Kết quả là tội phạm đã giảm 12% ở khu vực này trong khi tỷ lệ tội phạm toàn thành phố Los Angeles tăng 0,2%.
Sau nhiều cuộc thử nghiệm tương tự, công ty PredPol đã ra đời và đã ký hợp đồng với chính quyền Los Angeles để mở rộng chương trình. Chương trình dự báo tội phạm của PredPol dựa trên một mô hình của nhà toán học George Mohler, một mô hình rất hiệu quả trong dự báo thời gian và địa điểm của những tội ác chưa diễn ra. PredPol đã phối hợp với các thành phố khác ở California và đã nhận được nhiều lời mời cộng tác ở Mỹ và các nước khác.
Mặc dù phương pháp này nhìn chung được hoan nghênh nhưng nó cũng gây lo ngại về việc cơ quan thực thi pháp luật rình mò khắp nơi. Ông Andrew Guthrie Ferguson, giáo sư luật thuộc trường Đại học quận Columbia, cho rằng sử dụng công nghệ có thể tích cực nhưng có thể dẫn tới những cuộc lục soát không có nguyên do. Khi muốn kiểm tra một người, cảnh sát phải có bằng chứng hợp lý khiến họ nghi ngờ người đó. Nếu bằng chứng dựa vào thuật toán học trên máy tính và người bị kiểm tra kiện ra tòa, làm sao tòa có thể tiến hành kiểm tra chéo với một máy tính?
Theo ông Mark thuộc IBM, bộ phim "Monirity Report" và phần mềm dự báo tội phạm rất tuyệt vời nhưng nó chỉ là khoa học viễn tưởng và bạn đừng mong thực tế cũng hoàn hảo như phim ảnh.
Thùy Dương (theo AFP)