Chuyện giao thông ở Ôxtrâylia: Kỳ 2: Kỵ sỹ bóng đêm

Những anh hùng không bao giờ... núp


Rất rất hiếm khi người ta nhìn thấy cảnh sát tại Ôxtrâylia. Ngay cả cảnh sát giao thông ở đây cũng vậy, họ chẳng phải đội mưa đội nắng đứng đường làm nhiệm vụ, họ chẳng phải đối mặt với những hiểm nguy khi người tham gia giao thông làm càn, và họ cũng chẳng có “cơ hội” nhận lót tay của người vi phạm giao thông hay khi hoàn cảnh đẩy đưa để bị gọi là “anh hùng núp”. Hiếm khi thấy bóng dáng họ, nhưng họ vẫn có mặt ở khắp nơi trên nước Úc.


Đi quá tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ,... hầu như tất cả những người vi phạm luật giao thông ở Ôxtrâylia đều bị phạt. Có người ngỡ ngàng khi nhận được giấy thông báo phạt gửi về nhà, nhưng sau khi kiểm tra lại phải “tâm phục khẩu phục” mà đi nộp tiền. Có người phấp phỏng “đợi chờ trong cơn mưa”, đến khi cầm giấy báo phạt trên tay thì vỡ òa: “Nặng quá!”. Tất cả các lỗi đều bị camera ở các ngã tư, thậm chí được đặt dọc đường, ghi lại. Đối với những trường hợp “phóng nhanh vượt ẩu” có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người khác, cảnh sát Ôxtrâylia sẽ bất ngờ xuất hiện và rượt đuổi để xử lý. Nhưng những trường hợp này thỉnh thoảng lắm mới thấy xuất hiện, và thường vào ban đêm.

 

Người dân Ôxtrâylia được tự do “thiết kế” biển số xe.

 

Dịp hiếm hoi để được tiếp xúc, có thể “tay bắt mặt mừng” với cảnh sát Úc là lúc bị thổi rượu. Cảnh sát Ôxtrâylia thường kiểm tra nồng độ cồn của các tài xế vào buổi tối, tại các địa điểm gần hoặc ở cửa ngõ của các khu vui chơi giải trí, khu du lịch... Vào dịp cuối tuần, mức phạt vi phạm được tăng lên gấp đôi để răn đe những cuộc vui túy lúy. Nhưng nhiều “ma men” lâu dần cũng có kinh nghiệm để tránh bị thổi còi, đó là chọn đi những đường hẹp vì cảnh sát chỉ thổi rượu ở đường có 3 làn trở lên, hay “luyện chưởng” để hơi thở thơm tho ngay cả khi vừa chén tạc chén thù.

 

Dân - Luật kiểu Úc


Nhiều người Ôxtrâylia đã bị ấn tượng với vụ một bà mẹ vừa phải ra hầu tòa do đã để 3 con (10 tuổi, 8 tuổi và 5 tuổi) trong xe mà không có người lớn trông coi trong gần 15 phút. Nghĩ là cậu lớn có thể trông các em, bà mẹ tranh thủ chạy sang cửa hàng bên đường mua chút đồ. Một người đi đường nhìn thấy lũ trẻ chơi một mình bên trong xe, lặng lẽ quan sát, đợi..., 5 phút, 10 phút trôi qua, không thấy người nhà lũ trẻ đâu, bà liền gọi điện báo cảnh sát.


Chuyện chỉ có vậy nhưng đây là bằng chứng rõ nhất của việc người dân sát cánh với nhà chức trách tham gia giám sát ý thức tuân thủ luật pháp trong cộng đồng. Răn đe một cách nghiêm túc, nhưng pháp luật Ôxtrâylia cũng có cái “tình”. Xét thái độ biết lỗi của bà mẹ kể trên khi gặp cảnh sát, cộng với lời khen ngợi của những đứa con và những người hàng xóm dành cho bà, người mẹ đã được tòa tha bổng. Những giọt nước mắt của bà mẹ đó sau phiên tòa chắc chắn sẽ không chảy cho lần phạm lỗi thứ hai... Xét ở góc độ nào đó, sự tham gia của người dân Ôxtrâylia vào câu chuyện giao thông cũng có thể ngăn chặn nhiều “âm mưu” phạm luật, khi người định vi phạm biết rằng dù khu vực đó không có camera giám sát, nhưng nguy cơ cảnh sát rú còi lao đến vẫn rất cao vì đâu đâu cũng có “mật thám”.


Có thể thấy điểm nổi bật trong cách quản lý của Ôxtrâylia nói riêng và các nước phát triển nói chung là áp dụng triệt để kỹ thuật - công nghệ cao. Mạng lưới camera giám sát cộng với hệ thống vệ tinh giúp Ôxtrâylia quản lý rất tốt hoạt động giao thông trên cả nước. Nhưng Ôxtrâylia vẫn phải đối mặt với một vài “hạt sạn”. Có trường hợp vi phạm tốc độ cho phép nhưng camera không thể chụp được biển số vì xe đi quá nhanh. Các tài xế taxi thì bày cho nhau bài “hạ gục mắt thần”, bằng cách phi lên giả như định vượt đèn đỏ rồi dừng lại. Camera liên tục bắt trượt như vậy, mãi rồi cũng đến hồi bỏ qua.


Một điều khá thú vị là người dân Ôxtrâylia được tự do “thiết kế” biển số xe, từ màu sắc cho tới số ký tự, chữ số. Chẳng có gì ngạc nhiên khi một bà lão thư thái vi vu trên chiếc xe long lanh biển số màu hồng. Cạnh đó là ông lão oai phong trên chiếc xe BOY 18. Xe của một số cơ quan được phân biệt qua chữ cái đầu (như biển CC là của Ngoại giao), còn ai thích chữ gì thì đặt biển chữ đó, thậm chí là khắc tên mình, rồi tới số tự nhiên. Người dân Ôxtrâylia được đổi biển số hàng năm, người muốn giữ biển đẹp phải nộp phí và người muốn sở hữu một chiếc biển đẹp cũng phải mất phí. Có lẽ ngoài tác dụng tăng nguồn thu ngân sách, đây cũng là cách quản lý sở hữu xe chặt chẽ và thường xuyên hơn chăng? Bên cạnh việc tận dụng những tính năng ưu việt của công nghệ, rõ ràng Ôxtrâylia cũng đã thực hiện tốt việc đồng bộ hóa chức năng, nhiệm vụ của các ban ngành liên quan để có một cơ chế quản lý giao thông tốt đến vậy.


Bài và ảnh: Đỗ Vân (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)

 

Kỳ cuối: Những bất cập

Chuyện giao thông ở Ôxtrâylia-Kỳ 1: Chiến mã đường phố
Chuyện giao thông ở Ôxtrâylia-Kỳ 1: Chiến mã đường phố

Tôi thực sự bị “sốc”! “Sốc” ngay khi chân ướt chân ráo tới thành phố Sydney của Ôxtrâylia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN