Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp cao, giới trẻ Anh - thế hệ gắn liền với Internet và mạng xã hội - đã có những sáng kiến vô cùng độc và lạ để cân bằng cuộc sống với số tiền ít ỏi.
Các du kích trồng vườn trong một lần gieo hạt. |
Vào một buổi sáng thứ bảy, 4 nam thanh niên xuất hiện tại công viên thủ đô London và mải miết đào xới đất. Sau đó họ rắc một vài thứ gì đó lên và nhanh chóng lấp lại. Những thanh niên này không làm việc gì mờ ám mà họ là thành viên của nhóm “du kích trồng rau” - những người trồng rau trên các mảnh đất bỏ hoang hoặc những nơi công cộng như công viên, bãi cỏ...
Rau của “du kích trồng rau” đã xuất hiện khắp London trong khi tại thị trấn Todmorden, tây Yorkshire, rau thậm chí mọc mơn mởn trên đất của trạm cứu hỏa địa phương. Và điểm đặc biệt nhất là tất cả mọi người đều có thể thu hoạch rau của “du kích trồng rau”.
Trong hoàn cảnh từng đồng lẻ đều trở nên giá trị, thế hệ thanh niên Anh bắt đầu theo đuổi phong cách sống tiết kiệm mới, điển hình như việc trở thành “du kích trồng rau”. Fleura Bardhi đến từ Trường kinh doanh Cass cho biết ngày càng có nhiều thanh niên bị cái gọi là “kinh tế chia sẻ” thu hút.
Có thể nói việc chia sẻ trong vấn đề thực phẩm không phải là bài toán quá khó của thanh niên Anh. Một ví dụ là cô Phillipa Meek sống tại County Durham đã theo phong cách sống mới được gần 8 tháng. Meek bắt đầu săn thỏ trên đất của một người nông dân sau khi nhận được sự cho phép của ông này (theo luật của nước Anh, việc săn thỏ và chuột là hợp pháp), thêm vào đó, cô còn trồng rau quả tại vườn ở sân sau nhà.
Tại Sheffield, Birmingham và Nottingham còn có một dự án mang tên “Abundance”, trong đó những loại hoa quả “cây nhà lá vườn” sẽ được chia sẻ với những người khác khi gia chủ cảm thấy họ đã đủ dùng.
Ngoài việc chia sẻ thực phẩm, tại Anh đã xuất hiện các tổ chức không vì lợi nhuận như “Freecycle Network” hay “CraigsList”, cung cấp đồ gia dụng và quần áo miễn phí. Cách tham gia hoạt động trong các tổ chức này rất đơn giản, người tham gia chỉ cần đưa ra chi tiết về nơi ở và thứ họ cần, sau đó là cơ hội tìm được người nào đó sẵn sàng chia sẻ miễn phí. Ngoài ra khắp nước Anh đã xuất hiện các chợ ảo như “Swansea Swap Shop” và “Swapz”, khuyến khích mọi người trao đổi đồ dùng mà họ không cần thay vì vứt bỏ chúng.
Không chỉ dừng lại ở việc trao đổi, giới trẻ Anh còn chủ động tự tạo ra trang phục khi họ có thể tiếp nhận các bài học miễn phí về việc may mặc xuất hiện trong các trang web như “Skill Share” và “Professor Pin Cushion”.
Đối với những bạn trẻ muốn ở riêng với khoản ngân sách eo hẹp, có một trang web chuyên cung cấp địa chỉ căn hộ đang để trống tại các trung tâm thành phố với mức giá rất phải chăng của công ty quản lý bất động sản Camelot. Theo đó, người thuê nhà sẽ đến cư ngụ với tư cách “người trông coi” cho các ngôi nhà và căn hộ tạm thời không được chủ nhà sử dụng. Theo Camelot, một nửa những người thuê nhà theo kiểu dịch vụ này ở trong độ tuổi từ 25 đến 35 và họ chủ yếu là những người không quá quan tâm đến việc phải cư trú lâu dài tại một địa điểm. Camelot cho biết dịch vụ của họ giúp những chủ gia đình phòng chống “cháy nổ, trộm cắp hoặc phá hoại”.
Kể cả đối với những thanh niên có việc làm, tiết kiệm vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu. Laura Price, một phóng viên tại London thường đến công sở bằng cách chạy bộ, cô chia sẻ: “Tôi ghét ở trên tàu điện ngầm trong giờ cao điểm và việc chạy bộ 5 km giúp tôi về nhà còn nhanh hơn”.
Nếu không muốn đi bộ, xe đạp và xe trượt đẩy cũng được ưu ái bởi tại đất nước mà phần lớn người dân đều có ô tô thì việc sử dụng một chiếc xe trượt đẩy và xe đạp sẽ trở nên dễ dàng hơn trong những giờ cao điểm, bên cạnh đó là ưu điểm không hề mất chi phí xăng dầu như các loại phương tiện khác.
Thủ đô London của Anh gắn liền với dòng sông Thames và sở hữu hệ thống kênh rạch phát triển. Do vậy việc dùng xuồng caiac làm phương tiện đi lại không phải là điều huyễn hoặc. Hiện nay đã có một số thanh niên thử áp dụng phương pháp này. Điều này cho thấy, một khi đã có ý tưởng, không có gì là không thể đối với thế hệ trẻ hiện nay tại Anh.
Hà Linh