Trên những ngọn đồi xanh tốt ở miền bắc Thái Lan, có những người phụ nữ nom như đang ngồi nghịch bên những đống phân voi. Kì thực, họ đang thu lượm thứ nguyên liệu quan trọng để tạo ra một trong những loại cà phê đắt giá nhất thế giới.
Cà phê voi Thái là loại thức uống hảo hạng được săn đón. Ảnh: AFP |
Ở khu vực xa xôi của đất nước chùa vàng, nơi giáp ranh với hai quốc gia Myanmar, Lào và hoạt động buôn thuốc phiện còn có tiếng hơn cả hạt cà phê, nhiều năm về trước, doanh nhân người Canada Blake Dinkin quyết định làm giàu từ loại quả này. “Khi tôi giải thích dự án với những người quản voi, tôi biết họ nghĩ tôi bị khùng”, nhà sáng lập 44 tuổi của nhãn hiệu cà phê Black Ivory nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp.
Cà phê nguyên liệu của ông là loại đã đi qua bộ máy tiêu hóa của loài voi, quá trình tạo nên loại thức uống hảo hạng mà những người sành cà phê yêu thích. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện, cầy hương mới là loài động vật được Dinkin nhắm đến để sản xuất thứ cà phê Kopi luwak với quả cà phê được thu lượm từ chất thải của loài động vật châu Á này. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tăng lên ở khu vực Đông Nam Á - đặc biệt là tại các thị trường Thái Lan, Indonesia và Việt Nam - chất lượng của cà phê Kopi luwak lại giảm sút. Không những thế, để tạo ra loại cà phê này, cầy hương lại bị nhốt trong chuồng và buộc phải ăn quả cà phê, việc đi ngược lại với mong muốn bảo tồn thiên nhiên của Dinkin.
Sau cầy hương, sư tử và hươu cao cổ cũng là những phương án lọc cà phê sinh học được tính đến. Nhưng loài sinh vật cuối cùng lọt vào mắt xanh của Dinkin là voi bởi ông phát hiện vào những thời điểm có hạn hán ở Đông Nam Á, quả cà phê đôi lúc cũng trở thành thức ăn của sinh vật to lớn này. Nghĩ là làm, Dinkin nhập đội với một tổ chức từ thiện chuyên bảo vệ loài voi. Nhưng hành trình cho voi lọc hạt cà phê không diễn ra thuận lợi như trông đợi. “Tôi đã nghĩ chuyện sẽ chỉ đơn giản là hái cà phê, cho voi ăn và cuối chu trình sẽ có cà phê hảo hạng”. Tuy nhiên, theo lời kể của Dinkin, kết quả ban đầu thật “kinh hoàng” và thứ cà phê thu được không tài nào uống nổi. Quãng thời gian để Dinkin đạt được mục đích của mình mất 9 năm ròng rã.
Khi voi ăn quả cà phê, các enzim trong dạ dày voi sẽ từ từ xào xáo, ngâm tẩm quả cà phê cùng những loại thảo mộc và quả khác. Vị đắng trong hạt cà phê sẽ được axít triệt tiêu sau quá trình tiêu hóa kéo dài 17 tiếng đồng hồ. Sau khi cà phê ra khỏi “lò luyện sinh học”, người ta sẽ thu nhặt quả cà phê, đem rửa và sấy khô dưới ánh mặt trời.
Để tạo ra một kg cà phê, những con voi phải tiêu thụ khoảng 33kg quả cà phê ngoài khẩu phần ăn thông thường gồm gạo và chuối. Tuy vậy, phần thưởng mà những người làm cà phê thu được hoàn toàn xứng đáng với công sức bỏ ra. Sự khan hiếm của loại đồ uống này là một thành tố quan trọng trong việc góp phần tạo nên thương hiệu cà phê voi. Năm 2015 là mùa vụ cà phê voi Black Ivory thứ ba thành công. 150kg cà phê có mức giá 1.880 USD/kg (khoảng 37,8 triệu đồng), hay 13USD (gần 300.000 đồng) một tách espresso. Dù giá của loại cà phê hảo hạng này không hề rẻ, nhưng theo xu hướng của những người sành uống cà phê, cà phê voi Thái Lan đủ sức hấp dẫn khiến thực khách phải săn lùng và vui lòng mở hầu bao chi trả.
Trong tương lai, Black Ivory sẽ sớm có mặt ở các cửa hàng sang trọng ở Paris (Pháp), Zurich (Thụy Sĩ), Copenhagen (Đan Mạch) và Moskva (Nga). Trước mắt, loại cà phê voi Thái Lan này đang được phục vụ độc quyền tại các khách sạn hoa lệ ở châu Á mà phần lớn là ở Thái Lan, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Dự án cà phê voi Thái ban đầu vấp phải sự phản đối của tổ chức từ thiện bảo vệ loài voi. Nhưng sau khi chứng minh được rằng loài voi không bị ảnh hưởng gì khi ăn cà phê do “chất caffeine không thoát ra ngoài hạt cà phê trừ khi chúng được đun sôi lên…”, dự án cà phê voi Thái đã có những bước tiến dài. Dự án cũng trích 8% số tiền bán cà phê để chi trả cho các hoạt động thú y cũng như cơ sở vật chất của quỹ bảo vệ loài voi. Nhiều gia đình địa phương cũng nhờ dự án này mà có thêm việc làm, nhờ đó tăng thu nhập.