Theo trang Oddity Central (Anh), di tích cổ đại này còn có tên gọi là cột sắt Qutub Minar, cao 7,21 mét, có đường kính 41 cm và nặng khoảng 6 tấn. Công trình này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ V, dưới thời trị vì của Vua Chandragupta II, một trong những vị hoàng đế quyền lực nhất Đế chế Gupta.
Mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tác động ngoài trời trong hàng nghìn năm qua, nhưng cột sắt Qutub Minar hầu như không có dấu hiệu bị gỉ sét. Trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra những giả thuyết về tính bất thường này. Có thời điểm nhiều người tin rằng cây cột được làm từ chất kim loại bí ẩn không phải đến từ Trái Đất. Còn một số khác lại đoán rằng những người thợ rèn đã sử dụng kỹ thuật của tương lai nhưng bị thất truyền từ lâu. Và giả thuyết này dường như đúng về mặt lý thuyết theo nghiên cứu chứng minh của các nhà luyện kim tại Học viện Công nghệ Ấn Độ Kanpur trên tạp chí Current Science vào năm 2003.
Giáo sư Ramamurthy Balasubramanian - đồng tác giả của nghiên cứu - mô tả công trình này là “bằng chứng sống cho kỹ năng của các nhà luyện kim Ấn Độ cổ đại”. Theo giải thích của ông, thay vì loại bỏ hoàn toàn phốt pho khỏi sắt như công nhân ngày nay thường làm nhằm ngăn kim loại không bị vỡ, người ta lưu giữ nó bằng cách dùng búa đập vào cột để đẩy lượng phốt pho từ lõi ra phía bên ngoài, từ đó tạo nên lớp “misawite” bao bọc bề mặt cột.
Lớp màng “misawite” này hình thành do hàm lượng phốt pho cao trong sắt có tác dụng ngăn lớp ngoài của trụ tiếp xúc trực tiếp với không khí, tránh khỏi tình trạng bị gỉ sét. Đặc biệt, cột sắt Qutub Minar có tới tận 1% hàm lượng phốt pho, trong khi loại sắt sử dụng hiện nay chỉ chứa không quá 0,05%. Điều này khiến cho chiếc cột được bảo vệ bền vững hơn nhiều.
Tuy nhiên, vấn đề với “misawite” nằm ở chỗ nó cực kỳ mỏng nên có thể dễ bị bong tróc do những tác động vật lý từ khách du lịch. Nhận thức được điều này, các cơ quan chức năng đã kịp thời dựng hàng rào bảo vệ xung quanh cây cột, tránh việc khách tham quan vô tình làm mất dần đi lớp bảo vệ giữ cho trụ sắt Qutub Minar nguyên vẹn trong suốt 1.600 năm qua.