Chuột bị coi là loài động vật gây hại do tập tính cắn phá mùa màng, phá phách tài sản và lan truyền dịch bệnh. Nhưng ở các nước châu Phi, chúng lại được xem là anh hùng.Chú chuột tìm thấy một quả mìn nằm ngay trên mặt đất. |
Tổ chức phi chính phủ APOPO của Bỉ đã huấn luyện loài chuột có túi Gambia ở châu Phi biết đánh hơi dò mìn và phát hiện các mầm mống của bệnh lao. Từ năm 2006 tới nay, các “anh hùng chuột” đã làm việc chăm chỉ trên khoảng 11 triệu m2 đất ở Mozambique và tìm thấy hơn 13.000 quả mìn còn sót lại sau hai thập kỷ chiến tranh, giúp người dân an tâm trồng trọt, xây dựng nhà cửa. Bên cạnh đó, loài chuột cỡ lớn này còn có thể chẩn đoán chính xác khoảng 25% với các mẫu nước bọt của bệnh nhân nhiễm lao.
Bart Weetjens, nhà sáng lập APOPO, đã nảy ra ý tưởng huấn luyện chuột từ cách đây hàng chục năm khi ông còn là một sinh viên đại học. Ông từng nuôi chuột làm thú cưng nên hiểu rõ rằng chúng là những sinh vật “dễ đào tạo, dễ gần và thông minh”. Weetjens đã chọn loài chuột túi Gambia bởi sự nhanh nhẹn và khứu giác nhạy bén của chúng.
Các chuyên gia APOPO và đội chuột dò mìn. |
Quá trình huấn luyện chuột kéo dài trong 9 tháng, bắt đầu từ khi chúng mới vài tuần tuổi cho tới lúc “thành tài”. Chi phí đào tạo mỗi con vào khoảng 6.900 USD, rẻ hơn nhiều so với số tiền phải bỏ ra để đào tạo con người hoặc huấn luyện chó.
Một chuyên gia cùng với các thiết bị hiện đại phải mất 5 ngày để dò tìm một khu vực 200 m2, trong khi đó, một chú chuột APOPO có thể hoàn thành trong 20 phút. Nếu tìm thấy thiết bị nổ chúng sẽ liên tục cào xuống đất để báo hiệu. Loài gặm nhấm này có trọng lượng nhẹ nên khi dẫm đè lên bom mìn cũng không khiến chúng phát nổ. Bởi vậy tới nay chưa có chú chuột nào bị thương vong trong lúc làm nhiệm vụ. Chỉ đến khi chúng đã quá già để làm việc, chúng sẽ được nghỉ hưu và sống tiếp phần đời còn lại như một chú chuột bình thường.
(Xem video dưới)
Ngoài khả năng dò mìn tinh nhạy, đội chuột APOPO còn là “bậc thầy” xét nghiệm bệnh lao phổi - căn bệnh cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên thế giới mỗi năm. Một nhân viên y tế lành nghề sẽ phải mất cả ngày để xét nghiệm virus lao trong khoảng 25 mẫu nước bọt. Còn với “chuột anh hùng”, chúng có thể kiểm tra 100 mẫu dịch được đặt thành hàng dài trong 20 phút bằng cách đánh hơi. Nếu phát hiện mầm mống của bệnh lao tại đĩa thí nghiệm nào, con chuột sẽ đứng lại ở đĩa đó mà không chịu đi tiếp.
Chuột APOPO đánh hơi các mẫu phẩm bệnh lao trong phòng xét nghiệm. |
Theo APOPO, các chú chuột đã giúp phát hiện hơn 7.000 trường hợp bị nhiễm lao mà các xét nghiệm y tế thông thường cho kết quả âm tính. Điều này tương đương với việc ngăn chặn được 24.000 ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như cứu sống hàng ngàn tính mạng. Đối với ông Weetjens và những người dân tại Angola, Mozambique, Tanzania, đội chuột APOPO quả thực là những anh hùng.
Để duy trì nguồn gene khỏe mạnh, tổ chức APOPO đã cho phối giống giữa những con chuột đực tinh nhuệ nhất trong đội với các con cái hoang dã. Tổ chức này tin tưởng rằng loài chuột sẽ còn giúp ích cho con người nhiều hơn nữa chứ không chỉ dò mìn và chẩn đoán bệnh lao. Sẽ có một ngày loài gặm nhấm này đi tuần tra tại sân bay, đánh hơi hành lý hay làm việc tại bệnh viện.
Kể cả khi chiến tranh đã qua đi, bom mìn vẫn là một thứ vũ khí nguy hiểm nhất đe dọa tới tính mạng con người. Chúng có thể tồn tại dưới mặt đất suốt hàng thập kỷ và phát nổ bất cứ lúc nào. Theo Hội Chữ thập đỏ quốc tế, mỗi tháng có tới 800 người thiệt mạng và 1.200 bị thương tật vĩnh viễn do bom mìn còn sót lại sau thời chiến. |