Hồi cuối tháng 5 vừa qua, tại quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm thủ đô Seoul đã diễn ra Hội chợ triển lãm thống nhất hai miền Triều Tiên do Bộ Thống nhất Hàn Quốc tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài các gian trưng bày ảnh và băng hình về các nỗ lực hướng tới sự thống nhất, các gian hàng ẩm thực đặc trưng Triều Tiên giúp người dân Hàn Quốc được trải nghiệm nét văn hóa của Triều Tiên.
Món “injogogi bap” (bánh gạo giả thịt), cơm cuộn trong thịt giả làm từ đậu nành, và “dudu bap”, món đậu chiên nhồi cơm hấp. |
Song Chun-sil, một người Triều Tiên đã chạy sang Hàn Quốc, vẫn còn nhớ về thời kỳ kinh tế khó khăn kéo dài trong thập niên 1990, được biết đến với tên gọi “cuộc hành quân gian khổ”. Giữa nạn đói và khủng hoảng kinh tế từ năm 1994-1998, những “món ăn đặc biệt” chính là thứ làm vực dậy tinh thần của những người dân như Song Chun-sil. Vì thiếu lương thực, người Triều Tiên đã tận dụng nguyên liệu đơn giản để chế biến 2 món ăn chính: “injogogi bap” (bánh gạo giả thịt), cơm cuộn trong thịt giả làm từ đậu nành, và “dudu bap”, món đậu chiên nhồi cơm hấp.
“Không nhiều người Hàn Quốc biết rằng dân Triều Tiên đã trải qua thời kỳ khó khăn với những món ăn này. Tôi tham gia sự kiện này để giúp nhiều người hiểu rõ hơn về văn hóa ẩm thực Triều Tiên”, Song nói.
Một cuộc khảo sát gần đây của trường Đại học Kookmin cho thấy 46% trong số 731 sinh viên mới nhập trường bày tỏ ủng hộ thống nhất liên Triều, nhưng chỉ có 17% sinh viên cho rằng điều này là khả thi. Một quan chức của Bộ thống nhất Hàn Quốc phụ trách các vấn đề liên Triều nói: “Quầy ẩm thực tại triển lãm là để mọi người thưởng thức ẩm thực của hai miền Triều Tiên và mơ về một bán đảo Triều Tiên thống nhất”.
Tại triển lãm, Lee Ha-yeon, một nghệ nhân làm kim chi Hàn Quốc, hướng dẫn cách làm “bossam kimchi”, một loại kim chi cuộn có nguồn gốc từ thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên, cố đô của triều đại Cao Ly (918 - 1392).
Món kim chi cuộn kiểu Kaesong được làm từ nhiều loại nguyên liệu trộn lẫn gồm hải sản, táo, các loại hạt, hoa quả, củ cải thái lát mỏng và các loại rau khác kèm ớt cay, tôm khô mặn và cuộn chúng trong những lá bắp cải napa muối. “Món ngon này đã bị quên lãng ở Hàn Quốc. Tôi hy vọng rằng mình có thể giúp nhiều người Hàn Quốc hiểu về văn hóa làm kim chi Triều Tiên”, bà Lee Ha-yeon nói.
Bà bày tỏ tin tưởng rằng các món ăn có vai trò như một chất xúc tác tốt giúp người dân hai miền xích lại gần nhau. “Bất kể người Hàn Quốc buồn hay vui, kim chi luôn có trên bàn ăn. Tôi nghĩ rằng thống nhất hai miền sẽ bắt đầu từ việc làm thứ gì đơn giản, như ăn món ăn của nhau”, nghệ nhân kim chi Lee Ha-yeon chia sẻ.
Viện ẩm thực Hàn Quốc cũng tham gia Hội chợ với món ăn đặc trưng và kim chi của hai miền. Một bữa ăn đơn giản của người Triều Tiên gồm có ngô hấp với cơm, canh và 3 món phụ, có kim chi và giá đỗ theo mùa. Cơm là món ăn chính của cả người dân Triều Tiên và Hàn Quốc, nhưng người Triều Tiên còn ăn thêm ngô do thiếu lương thực. Đối với món ăn đường phố, Triều Tiên có loại bánh gạo “sokdojeon”, món ăn làm nhanh từ bột ngô trộn nước.“Sokdojeon”, hay trận chiến tốc độ, là cách Triều Tiên thúc đẩy người dân hoàn thành mọi việc với tác phong mau lẹ.
Kim Young-hui, một người gốc Triều Tiên, cho biết mình cảm thấy nhớ nhà khi được ăn lại món bánh gạo “sokdojeon”. “Nhiều người cho rằng nói về chuyện thống nhất vào lúc mối quan hệ liên Triều vẫn căng thẳng là vô nghĩa. Nhưng tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ về ý nghĩa của sự thống nhất và nỗ lực chuẩn bị cho điều đó”, Kim Young-hui, hiện là nhà nghiên cứu kinh tế Triều Tiên tại Ngân hàng phát triển Hàn Quốc, nói.