Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Khắc Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương về vấn đề này.
Thưa ông, trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, với chức năng quản lý thị trường nội địa, Tổng cục Quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát và đảm bảo bình ổn mặt hàng gạo trong thị trường nội địa như thế nào?
Thực hiện Chỉ thị số 24 ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay và Chỉ thị số 07/CT-BCT của Bộ Công Thương về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay, Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 1711 gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung cầu, giá bán mặt hàng gạo. Qua đó, nhằm xây dựng phương án kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần ổn định thị trường.
Cùng với đó, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn để tăng cường theo dõi sát thị trường giá gạo. Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, để ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Đồng thời, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị các Cục Quản lý thị trường địa phương cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Vậy trong thời gian qua, đã có những kết quả đạt được như thế nào, thưa ông?
Trong thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh, các cửa hàng và yêu cầu đơn vị này thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, tránh đầu cơ, tăng giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Qua quá trình kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện một số vụ việc. Điển hình, vào ngày 11/7/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre đã phát hiện và tạm giữ 1.040 bao gạo trắng nhập khẩu từ Ấn Độ với số lượng 52 tấn không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam với tổng trị giá hàng hóa 624.000.000 đồng.
Đại diện hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa khi lưu thông trên thị trường đối với lô hàng hóa trên. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ số lượng gạo nêu trên và đang tiếp tục xử lý vụ việc.
Trong năm 2022, Cục Quản lý thị trường các địa phương đã kiểm tra, kiểm soát và phát hiện hành vi vi phạm với khoảng 30 tấn gạo vi phạm về nguồn gốc xuất xứ cũng như vi phạm về nhãn hàng hoá tại Bến Tre, Bạc Liêu…
Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý mặt hàng gạo, thưa ông?
Thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị của Bộ Công Thương, chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối thương nhân, chợ, siêu thị… để bám sát tình hình cung - cầu và giá bán.
Lực lượng Quản lý thị trường sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng và vi phạm nguồn gốc xuất xứ với mặt hàng gạo.
Trân trọng cảm ơn ông!