Theo đó, hai bên sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, biện pháp tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời cùng nhau trao đổi thông tin, tài liệu về tình hình có liên quan đến các tổ chức, đường dây, ổ nhóm, các tuyến, địa bàn trọng điểm và phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ở địa bàn biên giới, nội địa.
Đặc biệt, phối hợp đấu tranh, kiểm tra, bắt giữ, xử lý vụ việc; trao đổi những quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách mới liên quan đến hoạt động của mỗi bên, nhất là những thay đổi quy định của pháp luật về hoạt động quản lý biên giới, chính sách xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, chuyển cảng hàng hóa và lưu thông hàng hóa trong nước…
Ngoài ra, trong quá trình phát hiện, điều tra, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện nghi vấn cán bộ, công chức thuộc lực lượng của bên phối hợp bị móc nối nội bộ, bảo kê, tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật hoặc gây cản trở trong quá trình đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, thẩm tra, xử lý, lãnh đạo hai bên sẽ trực tiếp trao đổi hoặc báo cáo cấp trên để chỉ đạo xử lý.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định: Phát huy những kết quả đạt được, ngay sau lễ ký kết hai bên sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung của quy chế phối hợp.
Cùng với đó, chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các địa phương xây dựng và ký kết quy chế phối hợp phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chỉ đạo thông suốt, kịp thời giữa hai lực lượng.