Gia tăng buôn lậu thuốc lá, bánh kẹo không rõ nguồn gốcRạng sáng 28/12, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Cần Thơ kiểm tra, bắt quả tang một xe khách vận chuyển 2.600 gói thuốc lá lậu.
Số thuốc lá lậu bị Công an Cần Thơ bắt quả tang tại cơ quan điều tra. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN |
Xe khách biển kiểm soát 95B-001.44 vận chuyển thuốc số thuốc lá lậu trên do tài xế Huỳnh Trọng Thiểu (36 tuổi, ngụ khóm Hòa Bình, phường Vĩnh Mỹ, Châu Đốc, tỉnh An Giang) điều khiển. Tại cơ quan công an, tài xế Huỳnh Trọng Thiểu khai nhận số thuốc lá trên xe là của bà Phan Thị Muội (44 tuổi, ngụ xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) và cũng là người quản lý xe khách 95B-001.44. Bà Muội cũng khai nhận là quản lý xe khách 95B-001.44 và mua số thuốc lá trên ở Châu Đốc (An Giang) mang về Hậu Giang bán kiếm lời thì bị bắt quả tang.
Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Cần Thơ đã lập biên tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo qui định.
Tại Hà Tĩnh, vào hồi 5 giờ 30 phút ngày 28/12, tại địa phận tổ dân phố 9, thị trấn
Thạch Hà, Công an huyện Thạch Hà tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang
biển kiểm soát 37C - 171.29, do Đậu Văn Sơn (sinh năm 1992, thường trú
tại xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) điều khiển.
Trung tá Nguyễn Hoài Việt, Trưởng Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở 25 hộp bánh kẹo, 3 tấn mạch nha và gần 3 tấn hạt hướng dương với tổng giá trị hàng hóa khoảng 80 triệu đồng, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp lệ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Do đó, Công an huyện Thạch Hà đã thu giữ số hàng hóa nói trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên tiếp phát hiện vận chuyển pháo trái phép Trong vòng 2 tháng qua, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) đã liên tiếp phát hiện, ngăn chặn kịp thời 8 vụ vận chuyển hơn 1 tấn pháo các loại.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y cho biết, Chi cục đã xây dựng quy chế phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại vận chuyển qua biên giới với lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu. Các bên đã phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra hàng hóa qua lại, đặc biệt là công tác soi chiếu hành lý, kiểm tra phương tiện. Hàng tháng, lực lượng chức năng tổ chức từ 2 - 3 lần cùng kiểm tra, kiểm soát, mai phục để ngăn chặn phát hiện bắt giữ các hàng cấm, đặc biệt là pháo nổ qua lại biên giới. Bên cạnh đó, lực lượng Hải quan và Biên phòng tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn cũng như doanh nghiệp xuất khẩu qua lại Cửa khẩu Bờ Y trên tinh thần thực hiện tốt pháp luật, không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, đặc biệt là pháo nổ.
Tết Nguyên đán đang đến cận kề, tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo dự tính sẽ tăng. Các đối tượng vận chuyển pháo nổ hoạt động tinh vi, vào các giờ cao điểm và bố trí người theo dõi mọi hoạt động của lực lượng chức năng… Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh Kon Tum tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở vùng biên.
Theo Ban chỉ đạo 389 Nghệ An cũng cho biết, để ngăn chặn tình trạng sản xuất,
kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất
xứ, hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt
là vào thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, Ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị
trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Bên
cạnh đó tăng cường tuyên truyền vận động người dân không mua và sử dụng
các hàng hóa, sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn hàng hóa, nói
không với thực phẩm bẩn. Nếu phát hiện các đối tượng có dấu hiệu sản
xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an
toàn thực phẩm và các công chức thực thi công vụ có dấu hiệu sách nhiễu
thì báo ngay cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để kiểm
tra và xử lý.
Tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để
kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các ngành hàng trọng điểm như
xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc
chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quản lý chất lượng nông lâm
thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Những năm gần đây, Nghệ An
không còn là "điểm nóng" về buôn lậu của cả nước như trước đây. Tuy vậy,
tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả vẫn diễn
biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt là
thời điểm giáp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu có xu hướng gia tăng. Năm 2017 đã tổ chức kiểm tra xử phạt
trên 12.000 vụ, tổng giá trị thu phạt trên 65 tỷ đồng.