Chặn hàng lậu về TP Hồ Chí Minh từ các địa bàn giáp ranh

Tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào thị trường TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp.

Tăng cường phối hợp và liên kết chặt chẽ lực lượng chức năng giữa các tỉnh, thành khu vực phía Nam, cũng như 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố, được ngành Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh xác định là giải pháp quan trọng để hỗ trợ kiểm soát những điểm nóng hay địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời ngăn chặn hàng nhập lậu về thị trường thành phố tiêu thụ và phân phối.

Nhiều tuyến buôn lậu từ vùng biên

Lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh bắt giữ vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ biên giới Caphuchia về thành phố. Ảnh: Tuấn Anh/Báo Tin Tức

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, hiện tình hình vận chuyển, kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu trên tuyến kênh Thầy Cai giảm rõ rệt, do các Chi cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam đã phối hợp chốt chặn tại tuyến giáp ranh với Campuchia. Tuy nhiên, các tuyến từ tỉnh Tây Ninh, Long An đi qua địa bàn giáp ranh vận chuyển về các quận nội thành, TP Hồ Chí Minh, cũng như đưa về  các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Thuận tiêu thụ còn diễn biến phức tạp.

Các đối tượng phổ biến chuyển hướng theo đường vòng, ngõ tắt đưa hàng lên xe tải, xe du lịch vận chuyển trên địa phận tỉnh Long An qua huyện Hóc Môn, Bình Chánh vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Một số đối tượng khác đi thẳng về các tỉnh miền Tây; qua Trảng Bàng - Tây Ninh về hướng tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu tiêu thụ.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng năm 2017, lượng thuốc lá nhập lậu về thị trường TP Hồ Chí Minh bị lực lượng Quản lý thị trường thu và tạm giữ hơn 115.700 bao thuốc lá. Trong đó, thuốc lá nhập lậu chủ yếu được tập trung tại Trần Quốc Toản, Học Lạc (quận 5, TP Hồ Chí Minh)... sau đó phân phối và bán lẻ ra thị trường.

Bên cạnh thuốc lá, mặt hàng đường cát cũng được đánh giá là một trong những sản phẩm nhập lậu phổ biến theo tuyến đường từ tỉnh biên giới Tây Nam về TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, số lượng đường cát nhập lậu bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và tạm giữ từ đầu năm đến nay hơn 134.100 kg và tăng hơn 65.230 kg so với cùng kỳ năm 2016.

Lý giải nguyên nhân, đại diện lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành khu vực phía Nam cho biết: Mặc dù theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt khá cao, nhưng vì lợi nhuận từ mức chênh lệch giá đường cát nội địa và một số nước lân cận nên các đối tượng buôn lậu vẫn bất chấp thủ đoạn. Đồng thời, do chất lượng đường cát trong nước không bằng đường Thái Lan, Campuchia, nên các đối tượng tận dụng lợi thế này để đưa hàng về Việt Nam tiêu thụ, đặc biệt là thị trường TP Hồ Chí Minh.

Đánh giá về tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào thị trường thành phố, ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, cho rằng vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp. Các đối tượng vận chuyển hàng hóa nhập lậu bằng ô tô du lịch, ô tô tải, xe gắn máy cải tiến bất kể ngày hay đêm; cất giấu, trà trộn với nhiều hàng hóa khác để né tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Trong đó, qua tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập lậu trên địa bàn 24 quận - huyện từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã phát hiện khoảng 1.000 vụ kinh doanh, kho hàng, nơi chứa trữ hàng nhập lậu, hàng không có chứng từ hóa đơn, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các vụ vi phạm chủ yếu rơi vào các mặt hàng như thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, vải, hóa chất, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, mũ bảo hiểm, thuốc tân dược...

Phối hợp kiểm soát địa bàn trọng điểm

Đội quản lý thị trường 2A (thuộc Chi Cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh) bắt nóng 2 container chở hơn 2.000 đôi giày, dép giả thương hiệu nổi tiếng như: Nike, Lacoste, Adidas…. Ảnh: Nhật Linh/TTXVN

Nhằm triển khai tích cực chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh về kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2017, đồng thời, ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng hóa và vận chuyển vào thị trường thành phố tiêu thụ, các sở, ngành đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp.


Cụ thể, Quy chế phối hợp được ký kết giữa 19 Chi cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam; trong đó có TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng quản lý thị trường phát huy hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng gian hàng giả. Dẫn chứng cụ thể, ông Phan Hoàn Kiếm, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phát hiện vi phạm hơn 11.420 vụ (tăng 4%), xử lý hơn 10.320 vụ (tăng 7%), với tổng số tiền thu phạt và bán hàng tịch thu hơn 119,4 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ năm 2016).

Theo ông Phan Hoàn Kiếm, để hoạt động phối hợp phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng cuối năm 2017, cần quy định rõ quy chế phối hợp, tạo ra cơ chế liên kết và quyết liệt trong đấu tranh chống buôn lậu giữa các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam. Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng liên ngành, vai trò của chính quyền địa phương 24 quận - huyện trên địa bàn thành phố rất quan trọng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Điển hình ở quy mô khu vực, lãnh đạo UBND các huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) và Thành phố Thủ Dầu Một, huyện Bến Cát, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) đã ký kết quy chế phối hợp chống buôn lậu, duy trì trao đổi thông tin liên lạc định kỳ 6 tháng một lần. Phối hợp lực lượng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm ở những địa bàn trọng điểm hoặc "điểm nóng" thường xuyên có các đối tượng buôn lậu hoạt động. Đặc biệt, các huyện - thành phố sẽ tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu; vận chuyển gia súc, gia cầm; khai thác và kinh doanh cát trái phép dọc tuyến sông Sài Gòn qua địa bàn giáp ranh thuộc từng địa phương.

Khu vực nội thành, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh ký kết thỏa thuận không tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với các tiểu thương TP Hồ Chí Minh. Tiểu thương hoạt động tại các chợ Bến Thành (quận 1), chợ Kim Biên (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6), chợ Tân Bình (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) và 2 trung tâm thương mại là Saigon Square và An Đông plaza đã cam kết chấp hành quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh, kiên quyết không kinh doanh, tiếp tay cho kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Ngoài ra, Chi cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cùng Ban quản lý trung tâm thương mại và chợ tăng cường trách nhiệm hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền pháp luật đến tiểu thương kinh doanh, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Mỹ Phương (TTXVN)
Hải Dương đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại
Hải Dương đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại

Ngày 30/6, tại thành phố Hải Dương, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng quản lý thị trường Việt Nam (3/7/1957-3/7/2017).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN