Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, phối hợp công tác, quyết liệt triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đầu nậu lớn, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa bàn trọng điểm như: An Giang, Long An, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Quảng Trị.
Cơ quan chức năng tiêu hủy tang vật. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN. |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý về các kiến nghị xác định trị giá đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu và việc bán đấu giá đường cát nhập lậu bị tịch thu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và chống buôn lậu thuốc lá, đường cát nói riêng; lên án những vi phạm, biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác chống buôn lậu.
UBND các tỉnh: An Giang, Long An chỉ đạo các lực lượng chức năng nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 41/NQ-CP về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Hiệp hội Mía đường Việt Nam chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và lực lượng chức năng trong việc cung cấp thong tin về buôn lậu thuốc lá và đường cát nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, bảo vệ sản xuất trong nước; vận động các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực biên giới.
Trước đó, Văn phòng Thường trực (VPTT) BCĐ 389 Quốc gia phối hợp với các lực lượng chức năng do Chánh VPTT Đàm Thanh Thế dẫn đầu đã làm việc và khảo sát công tác đấu tranh chống buôn lậu đối với 2 mặt hàng trọng điểm là đường cát và thuốc lá tại địa bàn An Giang và Long An.
Theo đó, tình hình buôn lậu qua biên giới của tỉnh năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 của 2 địa phương này diễn ra khá phức tạp, mặc dù có những thời điểm hoạt động buôn lậu tạm lắng dịu nhưng có thời điểm hoạt động buôn lậu tăng cả về tính chất và quy mô hoạt động.
Thuốc lá ngoại được các đối tượng mang, vác qua biên giới rồi sử dụng xuồng máy, xe máy vận chuyển sâu vào nội địa. Ngoài việc sử dụng xuồng máy, xe máy vận chuyển thuốc lá chạy với tốc độ cao, một số đối tượng còn sử dụng xe ô tô (loại 4 chỗ, 7 chỗ và ô tô tải, ô tô khách) để vận chuyển thuốc lá.
Các đối tượng buôn lậu thuốc lá thường hoạt động chủ yếu vào ban đêm, các ngày nghỉ; luôn cho người bám sát lực lượng chống buôn lậu, canh các ngã đường, khi phát hiện lực lượng thì báo cho nhau để tránh né; các đối tượng đầu nậu thường không tham gia, chỉ thuê mướn một số người dân không có công ăn việc làm ổn định để vận chuyển thuê.
Để đối phó với các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thuốc lá thường xuyên thay đổi địa điểm, phương tiện giao nhận hàng, sử dụng các hóa đơn quay vòng và các bộ hồ sơ bán hàng phát mãi,…Đặc biệt, trong quá trình tổ chức hoạt động, các đối tượng đầu nậu tính toán rất chặt chẽ, gắn trách nhiệm bồi thường hàng lậu với người vận chuyển. Vì vậy, các lực lượng chức năng chống buôn lậu thường gặp phải sự chống đối rất quyết liệt từ các đối tượng vận chuyển.
Đường cát nhập lậu lại thường được chuyển sang bao bì đường cát nội địa từ bên phía Campuchia sau đó sẽ chờ điều kiện thuận lợi để vận chuyển nhanh qua biên giới và nhập vào các cơ sở chế biến, các kho đường cát nằm sát biên giới. Để đối phó với các lực lượng chức năng trong quá trình hoạt động, các đối tượng thường đóng kín các cơ sở chế biến, các kho đường, tổ chức lực lượng canh giữ rất chặt chẽ tại trụ sở, tuyến đường trọng yếu) và sử dụng hóa đơn đường cát nội địa, bộ hồ sơ bán hàng phát mãi để hợp thức hóa cho đường cát nhập lậu. Ngoài ra, các đối tượng còn tổ chức sản xuất, chế biến đường cát thành đường phèn, pha loãng đường với nước thành mật đường, trộn lẫn đường cát nội địa và nhập lậu…để gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo thực hiện các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại một cách quyết liệt đối với mặt hàng đường, nhất là biên giới các tỉnh phía Nam, cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị các địa phương nếu bắt được đường lậu, tổ chức đấu giá thì thông báo cho Hiệp hội Mía đường Việt Nam để thông tin cho các thành viên hiệp hội tham gia đấu giá theo quy định hiện hành (đấu giá hạn chế) không thực hiện đấu giá rộng rãi tránh tình trạng lợi dụng hóa đơn, chứng từ quay vòng tiêu thụ đường lậu.
Đối với đường tạm nhập tái xuất, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị thực hiện nghiêm theo quy định tại NĐ 187/2013/NĐ-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, tránh lợi dụng để gian lận thương mại, đưa hàng hóa vào Việt Nam để tiêu thụ. Theo đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị trước mắt tạm dừng cấp phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường.
Bộ Tài chính cần xem xét cho áp dụng mức thuế trong hạn ngạch 5% không chỉ trong khu vực ASEN mà còn cho nguồn gốc xuất xứ khác như: Brazinl, Úc, Ấn Độ, để tăng tính cạnh tranh của nguồn cung, tránh tạo ra độc quyền cung từ Thái Lan dẫn đến Việt Nam phải mua giá cao. Còn ngoài hạn ngạch vẫn áp dụng mức thuế như hiện hành. Thực hiện điều này có lợi cho việc nhập khẩu đường vào Việt Nam, vẫn giữ bảo hộ cho sản xuất trong nước như hiện nay và vẫn bảo đảm cam kết trong các FTA.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng sản lượng đường sản xuất đến tháng 5/2017 là 1.361.379 tấn, đường tồn kho tồn kho đang tiếp tục tăng lên và hiện đã ở mức cao nhất trong lịch sử ngành mía đường là xấp xỉ 750 ngàn tấn. Lượng đường tồn kho hiện đã bằng hơn 1 nửa (chiếm 54,9%) sản lượng đường sản xuất từ đầu vụ 2016/2017 đến giữa tháng 5: 1,361 triệu tấn.