Hiện nay, thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu có nhãn hiệu Jet và Hero, chiếm khoảng 80 - 90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu.
Lực lượng chức năng tiêu hủy các mặt hàng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN |
Các loại thuốc lá trên không có đủ điều kiện để nhập khẩu vào Việt Nam. Bởi, quy chuẩn Việt Nam chỉ cho phép hàm lượng tối đa chất Tar trong khói 1 điếu thuốc lá là 16,0 mg và hàm lượng tối đa Nicotin trong khói 1 điếu thuốc lá là 1,4 mg. Tuy nhiên hàm lượng này đối với thuốc lá Jet và Hero có hàm lượng Tar lên tới 18,9 - 19,6 mg/điếu (vượt ngưỡng 12,2%); nicotine là 2,04 - 2,09 mg/điếu (vượt ngưỡng 49,2%).
Theo quy định tại Điều 15 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 và Điều 22 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, thuốc lá được tiêu thụ hợp pháp tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện là ghi nhãn bằng tiếng Việt, in cảnh báo sức khỏe bằng cả chữ và hình ảnh (theo quy định phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá), dán tem hoặc in mã số, mã vạch, phải được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp tại Việt Nam; ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng.
Thuốc lá điếu nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam trước khi làm thủ tục nhập khẩu thương nhân phải gửi mẫu đến cơ quan, tổ chức có chức năng phân tích, kiểm nghiệm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định để phân tích mẫu theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc các quy định an toàn thực phẩm của pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong ba năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 20,1 tỷ điếu; 21,3 tỷ điếu và 19,8 tỷ điếu. Con số này ước tính chiếm tỷ lệ xấp xỉ 20% tổng lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia do Chánh Văn phòng Thường trực Đàm Thanh Thế chủ trì, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vũ Văn Cường đã bày tỏ lo lắng trước nguy cơ thuốc lá nhập lậu bán tràn lan trên thị trường.
Mặc dù theo đánh giá của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Chính phủ đã đem lại hiệu quả hết sức tích cực trong công cuộc phòng, chống thuốc lá nhập lậu. Đơn cử như năm 2015, năm đầu tiên thực hiện tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, đã bắt giữ được 15.064 vụ, tịch thu 10.754.247 bao, tiêu hủy 10.147.156 bao. Lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong năm 2015 ước tính chỉ vào khoảng 14 tỷ điếu (tương đương khoảng 700 triệu bao).
Việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu đã phát huy tác dụng, làm lượng thuốc lá nhập lậu giảm khoảng 30% so với năm 2014, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu hợp pháp trong nước phục hồi sản xuất, nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 1.000 tỷ đồng (6,2%). Nhất là trong thời điểm Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 306/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 19/2015/TT-BTC, theo đó nâng mức hỗ trợ cho công tác bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá nhập lậu từ mức 3.500 đồng/bao lên mức 4.500 đồng/bao.
Để ngăn chặn tình trạng này, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cần tiếp tục quyết liệt có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Về phía các thành viên của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam như: Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, tính từ năm 2014 đến nay, Tổng công ty đã đưa ra thị trường 47 sản phẩm mới nhưng công tác phát triển thị trường cũng gặp nhiều khó khăn do gặp phải sự cạnh tranh với thuốc lá nhập lậu và hiện chỉ có 14 sản phẩm thâm nhập được thị trường (đạt 30%); trong đó các nhãn hiệu thành công chủ yếu thuộc phân khúc giá trung cấp từ 10 nghìn đến 15 nghìn đồng/bao.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đề xuất nếu cho phép thí điểm bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất là rất nguy hiểm, tạo ra kẽ hở pháp lý nghiêm trọng cho thuốc lá lậu xâm nhập vào Việt Nam. Nguy cơ việc hợp pháp hóa việc đưa thuốc lá nhập lậu vào tiêu thụ nội địa tại Việt Nam. Ngân sách Nhà nước cũng sẽ bị thất thu một khoản đáng kể khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm gần đây và sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất, do thuốc lá lậu bị tịch thu không đóng bất kỳ một khoản thuế nào nhưng vẫn được tiêu thụ chỉ thông qua bán đấu giá; đồng thời tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá…
Hơn nữa, việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không là rất khó khăn và tốn thời gian, có thể làm phát sinh rất nhiều chi phí quản lý cho việc kiểm định chất lượng, tiến hành đấu giá, bảo quản, vận chuyển…
Theo Chánh VPTT Đàm Thanh Thế kể từ ngày 1/12018 tới đây khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành sẽ xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu và vận chuyển trái phép thuốc lá điếu nhập lậu.