Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cửa khẩu đường bộ diễn biến phức tạp. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, thường lợi dụng địa hình đường biên kéo dài, hiểm trở, nhiều khu vực xa xôi, hẻo lánh, khó tiếp cận, quản lý để tổ chức tập kết hàng hóa tại các điểm giáp ranh biên giới, sau đó tìm thời cơ thuận lợi chia nhỏ, vận chuyển lén lút qua các đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối biên giới vào nội địa….
Đây là nhận định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017, sáng 20/7. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
Xử lý 88.564 vụ việc Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 88.564 vụ việc vi phạm (bằng 93,71% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 7.949,6 tỷ đồng (tăng 40,44% so với cùng kỳ năm trước), khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng.
Trên tuyến biên giới cửa khẩu đường bộ, hàng hóa vi phạm đa dạng, tập trung nhiều vào nhóm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng cấm. Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, mặt hàng vi phạm tập trung chủ yếu là hàng cấm, hàng hóa gọn nhẹ, có giá trị kinh tế lớn và dễ cất giấu như: ma tuý, sản phẩm của động vật hoang dã quý hiếm, ngoại tệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, xì gà...
Thủ đoạn phổ biến của đối tượng buôn lậu thường là cất giấu hàng hóa trong người, trong hành lý, vali, quần áo tư trang, không khai báo hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh; tách hóa đơn, chia nhỏ số lượng hàng, gửi về nhiều địa chỉ khác nhau nhưng thực chất chỉ có một người nhận; lợi dụng định mức miễn thuế, hàng quà biếu, quà tặng để hợp thức hàng lậu, hàng cấm...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 12 nghìn vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 1.569 tỷ đồng, khởi tố 15 vụ hàng giả với 15 đối tượng. Trước đây, hàng giả tập trung vào các nhóm có giá trị cao nhưng hiện nay ở tất các nhóm hàng đều có tình trạng giả mạo thông tin ở bao bì nhãn mác. Các đối tượng lợi dụng Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã gắn mác các hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam như các mặt hàng bánh kẹo, bóng đèn, quần áo… Khó khăn hiện nay là còn thiếu đầu mối về thông tin, cập nhật thông tin về hàng giả, sở hữu trí tuệ; trình độ của một số cán bộ còn hạn chế; chế tài xử phạt còn chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng sẵn sàng nộp phạt hành chính để trục lợi.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Cách Mạng, các đối tượng lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa để buôn lậu qua phương thức chọn luồng. Cùng một lô hàng nhưng khai báo nhiều tờ khai từ một chi cục hoặc khác chi cục. Nếu luồng đỏ thì hủy tờ khai, còn luồng vàng, luồng xanh để thông quan hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp chỉ khai báo tên hàng đại diện khi làm thủ tục hải quan, những mặt hàng cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện có trong lô hàng không được khai báo. Ban đầu khai tên người nhận hàng tại Việt Nam nhưng khi bị các cơ quan chức năng phát hiện hoặc phối hợp kiểm tra thì doanh nghiệp điều chỉnh đơn hàng và làm thủ tục hải quan theo hàng quá cảnh. Trong quá trình vận chuyển hàng quá cảnh, doanh nghiệp có thể rút hàng ra tiêu thụ tại Việt Nam.
Buôn lậu xăng, dầu diễn biến phức tạp Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, đối tượng đầu nậu trong nước cấu kết với các đối tượng người nước ngoài sử dụng tàu, thuyền không treo cờ quốc tịch hoặc tàu cá đã hoán cải các khoang, hầm, téc bí mật để chứa xăng dầu lậu mua của tàu nước ngoài tại các vùng biển giáp ranh, sau đó bán trực tiếp cho các tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bờ hoặc vận chuyển vào nội địa tiêu thụ...
Là một trong những địa phương trọng điểm về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu trên tuyến biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thành Long nêu lên một thực trạng là các đối tượng dùng tàu chuyên dụng, trang bị máy có công suất lớn, tập trung ở các vùng biển xa khoảng 6-7 hải lý, không có sóng điện thoại di động, lợi dụng thời tiết xấu và buổi tối để tiến hành giao nhận xăng dầu, tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Hầu hết các phương tiện này đều trang bị rada định vị hiện đại để rà quét, phát hiện từ xa, sẵn sàng lẩn trốn khi có tàu của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên biển.
Hiện giá xăng, dầu của một số nước thấp hơn nước ta, một số đối tượng người nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước để tiến hành mua bán xăng, dầu trên biển. Các đối tượng lựa chọn hoạt động chủ yếu là vùng biển giáp ranh. Tàu nước ngoài đưa dầu tới vùng biển Việt Nam để bán cho tàu cá trong nước. Khi phát hiện bị theo dõi sẽ chuyển sang vùng biển của nước ngoài.
6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát biển đứng chân trên địa bàn đã bắt hai tàu quốc tịch nước ngoài đang chứa hơn 1 triệu lít dầu. Tỉnh đã tịch thu gần 2 triệu lít dầu, bán thu ngân sách hơn 18 tỷ đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng hóa đơn, chứng từ hợp pháp của các lô hàng khác xuất trình cho lô hàng phi pháp khi có lực lượng chức năng kiểm tra.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, giá dầu buôn bán trôi nổi rẻ (chỉ khoảng 9.000 đồng/lít) là yếu tố tác động cho người dân tiếp tay buôn lậu xăng, dầu trên biển. Nhà nước cần có cơ chế bán xăng dầu ưu đãi cho ngư dân trên biển, để đảm bảo giá dầu hợp lý, giảm động cơ ham giá rẻ dẫn tới vi phạm pháp luật. Các lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu tiến hành đồng bộ các giải pháp quản lý hành trình của phương tiện khai thác trên biển, quản lý qua hệ thống kỹ thuật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, buôn bán, vận chuyển, sang mạn trái phép xăng, dầu trên biển phức tạp, nổi lên ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, các vùng biển tiếp giáp Indonesia, Thái Lan. Một số ngư dân cải hoán tàu chở cá thành tàu chở dầu, chỉ mua lượng dầu đủ chạy rồi mua dầu của các đối tượng nước ngoài, bán trực tiếp cho ngư dân với giá rẻ hơn quy định trong nước. Các tàu nước ngoài lợi dụng bán ngay trên biển để trốn thuế, canh gác chặt chẽ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn cho rằng tác động của việc mua bán trái phép xăng, dầu trên biển không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn trên biển, nguy cơ tranh chấp thị phần, tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng; chất lượng xăng, dầu không được kiểm soát, ảnh hưởng đến động cơ máy móc; gây ô nhiễm môi trường biển; tạo dòng tiền bất hợp pháp lớn, tạo cơ hội phát sinh, tiếp tay cho nạn cướp biển, trộm cắp trên biển, tác động tiêu cực đến việc hoạch định chính sách.