Ngoài những nguyên nhân khách quan như địa bàn phức tạp, chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật đã được nhắc đến thì sự hạn chế của công tác chống buôn lậu thời gian qua còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, đó là sự cắt khúc trong phân chia trách nhiệm của các bên liên quan và thiếu sự phối kết hợp đồng bộ giữa các lực lượng.
Tại các cửa khẩu, hoạt động xuất nhập cảnh cho người thì chịu sự quản lý của bộ đội biên phòng, xuất nhập khẩu hàng hóa thì do hải quan kiểm soát. Hàng hóa vào đến nội địa thì do quản lý thị trường chịu trách nhiệm nhưng lực lượng quản lý thị trường sẽ khó truy bắt những đối tượng chuyên chở hàng lậu bằng xe máy, ô tô nếu như không có sự phối hợp của lực lượng cảnh sát giao thông.
Làm thủ tục khai báo xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng. |
Bấy lâu nay, trách nhiệm đã được phân định khá rõ ràng nhưng thực tế, vì “việc ai nấy làm” nên dẫn đến cảnh “anh nào cũng than khó”. Yêu cầu đặt ra là các lực lượng phải phối hợp với nhau, dưới sự điều hành chung của BCĐ 389 Quốc gia.
Chẳng hạn như tại tỉnh Cao Bằng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Trà Lĩnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh và các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn đã tăng cường lực lượng chốt chặn các đường mòn qua biên giới để ngăn chặn và xử lý nhập lậu trái phép. Ngày 5/3/2017, tổ công tác đã phát hiện và thu giữ 900 con gà, vịt giống nhập lậu từ Trung Quốc. Ngày 7/3/2017, Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Trà Lĩnh cũng đã bắt giữ 300 kg vịt thương phẩm và 40 kg xúc xích có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hiện nay, tình hình cúm gia cầm ở các tỉnh Trung Quốc có biên giới giáp Việt Nam rất phức tạp. Ông Nguyễn Văn Bạch, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện Trà Lĩnh cho biết, để ngăn chặn gia cầm nhập lậu, Đội đã xác định những địa bàn trọng điểm, tổ chức tuần tra, chốt chặn. Đồng thời, BCĐ 389 của huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Để ngăn chặn triệt để hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên khu vực biên giới, nhất là trong thời điểm dịch cúm A/H7N9 đang bùng phát ở Trung Quốc, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các lực lượng chức năng. Nếu không quyết liệt chống buôn lậu ngay từ biên giới thì khi hàng lậu về đến các trung tâm tiêu thụ lớn như Hà Nội sẽ rất khó xử lý.
Quả hồ đào chuẩn bị được xuất sang Trung Quốc. Ảnh chụp tại cửa khẩu Sóc Giang, Cao Bằng. |
BCĐ 389 Hà Nội đề nghị BCĐ 389 Quốc gia, Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu phối hợp với lực lượng chức năng của Hà Nội để ngăn chặn vận chuyển hàng lậu ngay từ các cửa khẩu, trước khi về Hà Nội.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Thanh tra đối với nội dung các cơ quan được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành, hướng dẫn cụ thể thẩm quyền tịch thu hàng hóa đối với tổ chức vi phạm.
“Cần kiên quyết xác định, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ công chức, sỹ quan quản lý, phụ trách địa bàn, lĩnh vực và người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra buôn lậu phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia nhấn mạnh.
Để huy động sức mạnh tổng thể chống buôn lậu, ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, Ban đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng tăng cường điều tra, trinh sát nắm tình hình, xác lập các chuyên án. Mặt khác, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu để khởi tố trước pháp luật.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 389 cũng đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy cùng phối hợp với các lực lượng chức năng chống buôn lậu để tăng cường hiệu quả.