Lúng túng trong xử lý hình sự các vụ xâm phạm về sở hữu trí tuệ

Hiện nay, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng có những thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự trong lĩnh vực xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn khiến cơ quan chức năng gặp nhiều lúng túng.

Chú thích ảnh
Nhiều thương hiệu giày nổi tiếng bị làm giả. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN

Đại tá Nguyễn Minh Tiến- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công An) cho biết thực tế: Hiện nay,  các đối tượng vi phạm thường đặt hàng hóa, nhãn mác riêng lẻ, xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), sau đó tuồn vào Việt Nam tiêu thụ.  

“Tại một số làng nghề, khu công nghiệp, lượng hàng hóa lớn chủ yếu là quần áo, giày dép, túi xách đã được đặt sản xuất, gắn mác nhái những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng nước ngoài để đưa đi tiêu thụ. Trong nước, các đối tượng đã thành lập các đơn vị có chức năng sản xuất, kinh doanh hàng hóa, sau đó căn cứ nhu cầu thị trường đối với từng loại hàng hóa, tiến hành thu mua nguyên liệu, sản xuất ra các sản phẩm có bao bì nhãn mác gần giống, chứa nhiều yếu tố gây nhầm lẫn với các sản phẩm có thương hiệu, uy tín trên thị trường để bán kiếm lời”, ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Với dòng sản phẩm đồ uống giải khát, đồ gia dụng, điện máy... những vi phạm chủ yếu là “xâm phạm quyền” đối với nhãn hiệu (cách điệu chữ viết, hình ảnh) và kiểu dáng (màu sắc, hình dáng) công nghiệp đã được bảo hộ.

Đồng tình quan điểm này, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho hay: Các đối tượng sản xuất đã sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón,…) hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác, niêm phong, của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu. 

“Ngoài ra, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu, nhất là hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton, Gucci, Lancome, Apple… Các đối tượng bị kiểm tra hầu hết tái phạm nhiều lần do hám lợi nhuận cao, hình thức xử phạt còn nhẹ, sự phối hợp kiểm tra, xử lý chưa đồng bộ; công tác quản lý của các trung tâm thương mại, ban quản lý các chợ chưa quyết liệt, chặt chẽ dẫn đến vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng vi phạm SHTT được bày bán”, ông Trần Hữu Linh nói.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công An), tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả và tội phạm xâm phạm SHTT luôn song hành với phương thức, thủ đoạn hoạt động tương đối giống nhau và ngày càng tinh vi. Nếu như trước đây, các đối tượng vi phạm thường chỉ là những người có trình độ dân trí thấp, thất nghiệp, hoạt dộng nhỏ lẻ thì nay có xu hướng chuyển sang thành phần có trình độ nhận thức, học vấn cao, am hiểu nhu cầu thị trường.

 Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet đã tạo môi trường thuận lợi cho việc bùng phát các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng điện tử; người tiêu dùng chỉ cần có nhu cầu là được giao tận tay. Nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng hàng hóa rất khó kiểm soát.

Đại diện Bộ Công an nêu: Một trong những khó khăn hiện nay khi xử lý vi phạm SHTT là công tác giám định. Hiện chỉ có Viện Khoa học SHTT là cơ quan giám định duy nhất về SHTT, nhưng để xử lý hình sự thì cơ quan điều tra không thể dùng kết quả giám định của Viện Khoa học SHTT làm chứng cứ mà phải trưng cầu cơ quan giám định tư pháp nên gặp nhiều khó khăn. 

Bên cạnh đó, công tác phối hợp phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT chưa được chặt chẽ, thực tế còn xảy ra tình trạng chồng chéo, có những vi phạm để có thể xử lý được thì phải chờ kết luận của nhiều cơ quan liên quan khác nên dẫn đến vụ việc kéo dài. Có những vi phạm vừa có thể xử lý bằng  hình sự, vừa có thể xử lý hành chính thì các cơ quan thực thi pháp luật chọn hình thức xử lý hành chính vì thủ tục đơn giản hơn nhiều so với quy trình xử lý hình sự. Điều này gây tác động xấu đến ý thức tuân thủ pháp luật.

 Chưa có luật riêng về chống vi phạm SHTT
 Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay: Ở Việt Nam chưa có luật riêng về chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm SHTT mà quy định về chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm SHTT chỉ nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong thực thi pháp luật. Đơn cử: Khái niệm về gian lận thương mại, hàng lậu chưa được phân định rõ ràng với khái niệm buôn lậu; khung hình phạt đối với buôn lậu đặt ra trong hệ thống pháp luật còn hạn chế. Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quốc tế, lực lượng QLTT cần chủ động xây dựng các kế hoạch đấu tranh sát thực tiễn, tăng cường giám sát hoạt động thương mại điện tử, chủ động tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về hàng gian, hàng giả… Các doanh nghiệp muốn bảo vệ mình cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, kết hợp hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước, người tiêu dùng mới tạo được môi trường kinh doanh ổn định để phát triển.
Minh Phương/Báo Tin tức
Quy định sở hữu trí tuệ và rác thải công nghệ lần đầu quy định trong CPTPP
Quy định sở hữu trí tuệ và rác thải công nghệ lần đầu quy định trong CPTPP

"CPTPP đề ra những nghĩa vụ khó đối với khả năng thực thi sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Đồng thời, vấn đề nhập khẩu mặt hàng tân trang cũng khá mới mẻ. Vậy Việt Nam được lợi gì khi phải tuân thủ và thực thi các nghĩa vụ đó?" một doanh nghiệp tại Bắc Ninh đặt câu hỏi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN