Quy định sở hữu trí tuệ và rác thải công nghệ lần đầu quy định trong CPTPP

"CPTPP đề ra những nghĩa vụ khó đối với khả năng thực thi sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Đồng thời, vấn đề nhập khẩu mặt hàng tân trang cũng khá mới mẻ. Vậy Việt Nam được lợi gì khi phải tuân thủ và thực thi các nghĩa vụ đó?" một doanh nghiệp tại Bắc Ninh đặt câu hỏi.

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) trả lời:

Lợi ích mà chế độ bảo hộ sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cho Việt Nam là lợi ích về chiến lược và dài hạn.

Chú thích ảnh
CPTPP có nhiều quy định cao hơn về sở hữu trí tuệ và quy định mới về nhập khẩu hàng tân trang.

Các nghĩa vụ về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong CPTPP giúp các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam, được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ; quyền được bảo hộ dễ dàng hơn; thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp minh bạch, công bằng và hợp lý hơn; việc chống xâm phạm quyền nghiêm minh hơn...

Đây là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa, tạo ra quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có hoạt động sáng tạo nhằm đổi mới công nghệ và tạo môi trường tốt cho việc thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam trong ngắn hạn và tạo điều kiện từng bước nâng cao năng lực công nghệ nội sinh của ta trong dài hạn.

Bên cạnh đó, tham gia CPTPP thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước ta trong việc hướng tới các chuẩn mực tiên tiến về bảo hộ sở hữu trí tuệ của khu vực và thế giới nhằm thực hiện mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút sự đầu tư ổn định lâu dài của các doanh nghiệp trong khu vực CPTPP nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung.

Còn vấn đề rác thải công nghệ đang là một trong các vấn đề được quan tâm tại một số diễn đàn trên thế giới. Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ cho phép nhập khẩu mặt hàng tân trang.

CPTPP là một hiệp định “thế hệ mới” với các tiêu chuẩn cao và mức cam kết sâu và rộng. Cam kết về hàng tân trang là một trong các nội dung mới mà Việt Nam chưa từng cam kết trong các FTA đã ký kết.

Tuy nhiên, khi đàm phán và thống nhất nội dung này, Việt Nam cũng đã bảo lưu được một khoảng không chính sách nhất định để Chính phủ có thể quản lý và kiểm soát mặt hàng này một cách chủ động và hiệu quả khi Hiệp định có hiệu lực.

Trước hết, hàng hóa phải là hàng hóa thu được toàn bộ hoặc một phần từ các nguyên vật liệu được thu hồi, có tuổi thọ và chức năng giống hệt hoặc tương tự hàng mới và có chứng nhận bảo hành như hàng mới mới được coi là hàng tân trang và được phép nhập khẩu vào thị trường CPTPP theo mức thuế suất như đối với hàng mới.

Hơn nữa, Việt Nam cam kết sẽ chỉ cho phép nhập khẩu loại hàng hóa này sau 3 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực. Ngoài ra, Việt Nam cũng bảo lưu một danh mục loại trừ các mặt hàng được cho là hàng tân trang bao gồm xe máy, xe đạp và một số máy móc điện - điện tử gia dụng như quạt điện, máy điều hòa không khí, máy sấy, máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi... Các mặt hàng này không được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo cam kết về hàng tân trang.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam
CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam

Kể từ hôm nay (14/1), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN