‘Lợi dụng chính sách miễn thuế, lập danh sách cư dân biên giới để buôn lậu’

Việt Nam đã có nhiều ưu đãi trong mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân biên giới. Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, chính sách này đang bộc lộ một số bất cập khi phát sinh khó khăn trong quản lý, kiểm dịch, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu và phòng chống gian lận thương mại.

Chú thích ảnh
Hoàn thiện chính sách, tránh lợi dụng cư dân biên giới để buôn lậu. Ảnh: HV

Hiện nay, tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi, lập danh sách cư dân, sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế để nhập các lô hàng lớn rồi bán lại, đang xảy ra ở một số địa phương. Thậm chí nhiều nơi, chủ hàng thuê người dân vận chuyển hàng để hưởng tiêu chuẩn miễn thuế của cư dân biên giới, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm soát người nhập cảnh và hàng hóa khi thông quan.

Cư dân biên giới là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới. Người có giấy phép lưu trú tại khu vực biên giới khi mua, bán hàng hóa qua biên giới sẽ được miễn thuế với giá trị không quá 2 triệu đồng, không vượt quá 4 lượt/tháng. Như vậy, mỗi cư dân sẽ được miễn thuế với giá trị tối đa 8 triệu đồng/tháng, tương đương 96 triệu đồng/năm. 

Nhóm hàng hóa được miễn thuế chủ yếu là quần áo, giày dép, túi xách và những mặt hàng lương thực, thực phẩm… Mục tiêu chính sách này nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Thế nhưng theo ghi nhận thực tế của lực lượng chức năng, đa số hàng hóa mua về lại phục vụ cho mục đích khác. 

“Trường hợp mua bán, vận chuyển hàng hóa trong định mức nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới, phải kê khai nộp thuế theo quy định”, đại diện Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Theo đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, cán bộ công chức tại đơn vị rất vất vả trong quản lý bởi cơ quan hải quan chỉ xác định được hàng hóa nằm trong danh mục hay không? đúng định mức, số lần tiêu chuẩn chưa? Nếu vượt quá, yêu cầu nộp thuế. Sau khi thông quan, người dân mang hàng vào nội địa nếu dùng không hết muốn bán lại thì phải lập danh mục gửi cơ quan hải quan để thu thuế.

“Không thu gom hàng miễn thuế để tuồn vào nội địa tiêu thụ mà thời gian gần đây, nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới bị phát hiện còn có sự tiếp tay của một số cư dân sinh sống tại khu vực biên giới”, đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết.

Tháng 5/2024, lực lượng chức năng đóng tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh bắt quả tang 4 đối tượng đi xe ô tô bán tải, nhập cảnh từ Lào về Việt Nam, có hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép, mang theo 4 kg vàng 9999.

Vào giữa tháng 8/2024, lực lượng chức năng Cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang phát hiện một người đàn ông xách hơn 370 vòng vàng, trọng lượng hơn 1,2 kg, ước tính trị giá khoảng 1,4 tỷ đồng. Số vàng này đối tượng nhận từ một người đàn ông ở Việt Nam, vận chuyển về Campuchia, với tiền công 10 USD.

“Tình trạng lợi dụng tiêu chuẩn, định mức hàng hóa được miễn thuế đối với cư dân biên giới để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu trái phép qua biên giới ở nhiều địa phương đang chỉ ra những bất cập của chính sách hết sức nhân văn này. Cư dân biên giới vô hình chung trở thành nạn nhân, bị các đối tượng dụ dỗ, mua chuộc, lợi dụng trở thành đối tượng vi phạm, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước”, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.

Ông Lê Phương - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, cho biết:  Cơ quan Hải quan có các hệ thống theo dõi để đảm bảo các cư dân biên giới chỉ được xách hàng miễn thuế 4 lần trong tháng. Hiện tượng cư dân bị lợi dụng gom hàng miễn thuế đưa vào tiêu thụ nội địa cũng đã được các cơ quan chức năng quản lý tại khu vực cửa khẩu nắm bắt được. Tuy nhiên, để yêu cầu các đối tượng thu gom đi khai báo để thu thuế là rất khó vì khó có thể xác định việc cư dân mang hàng về không sử dụng.

Cơ quan Hải quan đã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Trong đó làm rõ thêm một số điểm như hàng hóa thuộc diện ưu đãi cho cư dân biên giới phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu.

Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, tới năm 2029, Việt Nam sẽ điều chỉnh lại định mức hàng hóa miễn thuế của cư dân biên giới. Từ năm 2030, lực lượng chức năng sẽ tập trung giải quyết thủ tục hải quan qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu song phương, giảm bớt giải quyết hoạt động ở các cửa khẩu phụ, lối mở. Chính sách này hy vọng sẽ giải quyết được tình trạng bất cập trên. 

Huy Cường/Báo Tin tức
Giảm thiểu tác động trong quá trình tinh gọn ngành hải quan
Giảm thiểu tác động trong quá trình tinh gọn ngành hải quan

Chiều 16/12, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề nghị ưu tiên việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Kế hoạch phát triển hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 5 năm và hàng năm trong toàn ngành với mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN