Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng còn bất cập do thiếu nhiều quy định để có thể làm căn cứ xứ lý các vi phạm. Cụ thể: chưa có quy định cụ thể trong cấp phép quảng cáo để xử lý đối với thông tin quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, tác dụng; quy định về kê khai giá; công bố chất lượng không ghi thành phần chính, chất chủ yếu, không ghi định tính, định lượng nên các đối tượng lợi dụng để né tránh hành vi vi phạm hàng giả về chất lượng.
Thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng hóa mỹ phẩm. Ảnh: Thu Hằng |
Hệ thống thông tin của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm; không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên khó phát hiện được hàng có phép và không được phép lưu hành trên thị trường.
Công tác giám định chất lượng hàng hóa của các cơ quan chuyên môn còn mất nhiều thời gian, kết quả giám định của mỗi cơ quan lại khác nhau nên gây nhiều cản trở cho quá trình xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng. Ngoài ra, năng lực cán bộ chuyên trách làm công tác chống hàng giả còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, kỹ năng nhận biết, phân biệt hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: Các đối tượng sản xuất hàng giả tại hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phần lớn là dân từ các tỉnh khác đến; không có hộ khẩu, không đăng ký tạm trú nên việc xác minh nhân dân lai lịch để lập hồ sơ nghiệp vụ giám sát, theo dõi gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, gia công từ các khu đô thị mới, nơi hẻo lánh, khu trọ, vùng ven thành phố hoặc vùng giáp ranh giữa các tỉnh để tổ chức sản xuất nên việc quản lý, thẩm tra để kiểm tra, kiểm soát là rất khó khăn.
Trong khi đó, nhận thức về pháp luật một bộ phận nhỏ người tiêu dùng và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, mặc dù biết là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng do giá rẻ và thói quen thích sử dụng hàng ngoại của các nhãn hiệu nổi tiếng nên vẫn chấp nhận.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đòi hỏi các lực lượng chức năng tiếp tục vào cuộc tích cực như: Công an các đơn vị, địa phương tổ chức đánh mạnh, đánh đúng, đánh trúng vào các đường dây, đối tượng cầm đầu, tội phạm buôn lậu, gian thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Phía lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên thị trường; chú trọng kiểm tra chất lượng hàng hóa trong khâu lưu thông; phía hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với các lô hàng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được đăng ký mở tờ khai nhập khẩu.
Các hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc trao đổi thông tin về sản phẩm hàng hóa bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và xác lập chủ thể quyền trong quá trình xử lý vi phạm khi có yêu cầu; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo trao đổi kỹ năng nhận biết hàng thật - hàng giả và các giải pháp phòng, chống hàng giả.
Trong quá tình thực thi nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các lực lượng chức năng phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để đưa tin công khai, minh bạch kết quả điều tra, xử lý vi phạm.