Các đối tượng đầu nậu, người vận chuyển, người buôn thuốc lá thường xuyên thay đổi thủ đoạn vận chuyển, cắt cử người canh lực lượng chức năng hoạt động, hình thành các đường dây ổ nhóm vận chuyển từ biên giới vào nội địa khiến cho việc chống buôn lậu thuốc lá gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu tăng cường chống buôn lậu thuốc lá. Theo đó, xác lập các chuyên án để đấu tranh, xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu, buôn bán thuốc lá nhập lậu theo quy định của pháp luật hình sự.
Để tìm hiểu rõ hơn về những khó khăn, bất cập cũng như tìm ra giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn lậu thuốc lá, phóng viên TTXVN đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.
Ông đánh giá thế nào về tình hình buôn lậu thuốc lá tại các điểm nóng trong thời gian qua?
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu nhìn chung giảm, tuy nhiên, tuỳ từng thời điểm, từng khu vực, có lúc, có nơi, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Hoạt động này chủ yếu diễn ra tại địa bàn các tỉnh, thành phố: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng; trong đó, khu vực biên giới Tây Nam là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá; Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội là hai địa bàn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu lớn nhất; khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc trên tuyến biên giới Việt – Lào. Thuốc lá điếu ngoại nhập lậu chủ yếu là thuốc lá nhãn hiệu Jet, Hero, 555, Elephant, Nelson, Scott, Esse....
Thưa ông, số vụ buôn lậu thuốc lá điếu đang có chiều hướng giảm nhưng số vụ buôn lậu thuốc lá điện tử lại có chiều hướng gia tăng. Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 8.300 vụ, tịch thu hơn 8 triệu gói thuốc lá nhập lậu các loại. Riêng thuốc lá thế hệ mới, số vụ thu giữ và số lượng thu giữ ngày càng tăng lên. Năm 2019, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ trên 200 sản phẩm thuốc lá điện tử; Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh bắt giữ trên 16.000 bao thuốc lá làm nóng trong năm 2020. Tháng 1 năm 2020, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã bắt giữ 78.800 điếu thuốc lá làm nóng thương hiệu HEETS lại sân bay Tân Sơn Nhất. Tháng 4 năm 2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ 39.800 điếu thuốc lá làm nóng thương hiệu Marlboro.
Thực tế cho thấy, Chính phủ đã có các chế tài rất mạnh đối với thuốc lá điếu nhập lậu như đưa vào diện mặt hàng cấm kinh doanh, xử lý hình sự đối với tội buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu nhưng sản phẩm vẫn được nhập lậu nhiều vào nội địa vì lợi nhuận do kinh doanh bất hợp pháp mang lại rất lớn. Tình trạng này cũng diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới.
Việc xử lý các đối tượng vi phạm vẫn là vấn đề nan giải của các lực lượng chức năng. Vì vậy, việc sớm có khung chính sách quản lý các loại hình thuốc lá thế hệ mới là yêu cầu thực tế và cấp thiết.
Cho đến thời điểm này, ông đánh giá ra sao về chế tài xử lý thuốc lá điện tử nhập lậu nói riêng?
Trên thực tế hiện nay chưa có chế tài xử lý thuốc lá thế hệ mới. Chính vì vậy, khi bắt giữ các vụ việc liên quan đến mặt hàng này, lực lượng quản lý thị trường chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nên các việc xử lý chưa sát với hành vi vi phạm.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có Công văn số 728/BCT-CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới.
Theo đó, về cơ bản các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đều thống nhất việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp để quản lý đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết và có cơ sở.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại công văn số 4861/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đang tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, Hiệp hội liên quan và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan gồm: nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá, nông dân trồng cây thuốc lá và phù hợp thông lệ quốc tế.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo ông, những điểm mới trong Nghị định 98 sẽ giúp gì cho cơ quan chức năng trong chống buôn lậu thuốc lá?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2020.
Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã quy định rõ các mức xử phạt: thấp nhất là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao. Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên.
Như vậy, theo Nghị định này, dù chỉ buôn bán 01 bao thuốc lá điều nhập lậu, người bán đã có khả năng bị xử phạt tới 3 triệu đồng.
Việc áp dụng hình thức phạt tiền với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận dù chỉ 1 bao thuốc lá điếu nhập lậu, thay cho hình thức cảnh cáo được quy định trước đây, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong chống thuốc lá điếu nhập lậu, đồng thời cảnh báo các cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng không tiếp tay cho thuốc lá điếu nhập lậu.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng cường chống buôn lậu thuốc lá. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ có những hành động cụ thể nào để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng được hiệu quả, thưa ông?
Lực lượng Quản lý thị trường xác định mặt hàng thuốc lá là mặt hàng trọng điểm của việc kiểm tra, kiểm soát, cần thực hiện thường xuyên, liên tục để tạo sự chuyển biến rõ rệt, từng bước đẩy lùi tiến tới giảm thiểu vấn nạn buôn lậu thuốc lá.
Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ chủ động xây dựng Phương án, Kế hoạch cụ thể trong đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu đối với các địa bàn phức tạp.
Mặt khác, tăng cường phối hợp lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, chú trọng địa bàn trên các tuyến trọng điểm, tuyến biên giới như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá: nhà hàng, quán bar, cửa hàng tạp hóa, điểm bán lẻ. Nắm thông tin các điểm nóng, kho chứa trữ, đường dây, ổ nhóm hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn. Mặt khác, kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo 389, địa phương khen thưởng kịp thời các cá nhân/tập thể có thành tích hoặc phê bình, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá nghiêm trọng kéo dài/tái diễn ở địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu. Ngoài ra, phối hợp cơ quan truyền thông tuyên truyền chống buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, tiêu huỷ thuốc lá nhập lậu để nâng cao nhận thức, cảnh báo người dân các nguy cơ ảnh hưởng từ thuốc lá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Xin cảm ơn ông!