Theo Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn, hiện chế tài xử lý các đối tượng sử dụng xe ô tô chở người vận chuyển hàng lậu chưa đủ sức răn đe, khó xác định hành vi vi phạm và khó tịch thu phương tiện, do không thuộc quyền sở hữu của đối tượng vi phạm, do đó các đối tượng này tiếp tục tái phạm.
Tại Lạng Sơn thời gian qua, các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng xe ô tô chở người, hoán cải, nhằm cất giấu hàng hóa. Loại xe ô tô này có khả năng luồn lách, chạy tốc độ cao để trốn tránh hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm từ biên giới vào sâu trong nội địa.
Lực lượng chức năng kiểm đếm số gỗ lậu trên xe. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN. |
Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vận chuyển ngày càng tinh vi, phức tạp, hàng lậu sau khi được mang, vác nhỏ lẻ theo các đường mòn biên giới về các điểm tập kết không cố định trong nội địa, đưa lên các loại xe ô tô khách, xe tải loại 1,25 - 2 tấn theo các trục đường quốc lộ 1A - 1B vào nội địa tiêu thụ. Trong đó, các phương tiện ô tô chở người chủ yếu được sử dụng gồm các loại: Xe ô tô khách loại từ 16 - 51 chỗ ngồi đã được tháo ghế, dán sơn tối màu cửa xe, hoán cải, cơi nới thêm hầm, cốp trên xe.
Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo, đôn đốc các lực lượng chức năng (công an, quản lý thị trường, bộ đội Biên phòng, hải quan, kiểm lâm, thanh tra giao thông...) tăng cường kiểm soát xử lý vi phạm đối với các đối tượng vận chuyển hàng hóa nhập lậu, chú trọng xử lý hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ sử dụng xe ô tô chở người để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả.
Các lượng lượng chức năng đang tăng cường thống kê, rà soát các phương tiện đăng ký tại địa bàn Lạng Sơn đã hết niên hạn sử dụng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tính từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, xử lý 354 phương tiện, trong đó xe ô tô chở khách loại 4 - 5 chỗ ngồi là 19 xe; loại 7 chỗ ngồi 50 xe; loại 16 chỗ ngồi 191 xe; loại 24 - 25 chỗ ngồi là 6 xe; loại 29 chỗ ngồi là 25 xe….
Tuy nhiên công tác kiểm tra, xử lý đối với các đối tượng sử dụng xe ô tô chở người để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả vẫn chưa triệt để. Một số đơn vị chức năng do không có thẩm quyền, chỉ xử lý đối với số hàng hoá, mà không xử lý lỗi vi phạm về lĩnh vực an toàn giao thông, nên chưa tạo được sức răn đe, phòng ngừa tái phạm.