Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu thực tế: Buôn lậu, hàng giả ngày càng tinh vi hơn, nhất là buôn lậu đường, thuốc lá, phân bón, hóa chất. Một số nơi, tình trạng buôn lậu diễn ra công khai, nghênh ngang.
Chi cục QLTT tỉnh Quảng Bình vừa tiêu hủy 12 mặt hàng là hàng cấm, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, hàng kém chất lượng… bị phát hiện, bắt giữ trong năm 2016. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN |
Bộ trưởng ghi nhận những nỗ lực của ngành QLTT, đồng thời yêu cầu ngành phải nhìn thẳng vào những tồn tại, những bất cập xuất phát từ chủ quan.
"Trong các phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương của các Đại biểu Quốc hội, hơn một nửa số câu hỏi liên quan đến QLTT, chống buôn lậu, hàng giả, bảo vệ sản xuất kinh doanh trong nước. Tại sao qua nhiều năm chúng ta vẫn chưa nắm được hết các âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả", Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Bộ trưởng ví von: Binh pháp Tôn Tử có câu “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, QLTT cũng phải “biết ta” để tự khắc phục những hạn chế. Phải chịu trách nhiệm nếu để hàng giả, hàng lậu diễn ra mà không khắc phục được. Bộ trưởng yêu cầu, năm 2017, phải tạo ra phong trào chống hàng giả, hàng lậu trong toàn xã hội.
Tại hội nghị, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT cho biết, năm qua, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 105.000 vụ vi phạm, tăng hơn 1.000 vụ so với 2015. Tổng số thu nộp ngân sách là 549 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu là 380 tỷ đồng, tiêu hủy 162 tỷ đồng, tất cả đều tăng so với năm 2015.
Trong đó, phân bón: xử phạt 22,67 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 2015, chuyển cơ quan điều tra 12 vụ. Thuốc lá: xử lý 8.400 vụ, xử phạt hơn 30 tỷ đồng, tịch thu hơn 1,4 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại.
Ông Ngọc cho biết, hàng nhập lậu chủ yếu tập trung ở nhóm hàng chịu thuế suất nhập khẩu cao hoặc có hạn ngạch nhập khẩu như rượu, bia, thuốc lá…; các mặt hàng tiêu dùng được tiêu thụ nhiều trong nước như bánh kẹo, thực phẩm, hàng may mặc…
"Vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt có xu hướng tăng. Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm là giấu hàng hóa trong thùng xe, cốp xe, xếp lẫn vào hàng hóa được phép lưu thông hoặc xé lẻ hàng hóa vận chuyển bằng nhiều xe, nhiều chuyến; sử dụng phương tiện xe khách, xe chuyển phát nhanh, xuồng máy, xe máy chạy với tốc độ cao để vận chuyển. Khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thì tìm mọi cách để tẩu tán hàng vi phạm, sử dụng hóa đơn quay vòng hoặc ghi giá trên hóa đơn thấp hơn nhiều giá trị thực của hàng hóa", ông Ngọc cho biết.
Đại diện các chi cục QLTT địa phương cho biết năm 2016 đã hạn chế được tình trạng “mỗi tỉnh là một củ khoai tây”, tức là có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các tỉnh thành trong chống buôn lâu, hàng giả, hàng nhái.
Năm 2017, lực lượng QLTT sẽ tập trung bám sát, thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Long An, Tây Ninh và các địa bàn đông dân cư, sức tiêu thụ hàng hóa cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
QLTT cũng tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, công an, cảnh sát biển… nhằm nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, hàng giả.