*
Sáng 27/7, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), Đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và lực lượng vũ trang thành phố do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh (Đồi không tên).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược tối 26/7. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Trong không khí trang nghiêm của nền nhạc Hồn tử sỹ, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh quên mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố đã thắp nén nhang tới từng ngôi mộ liệt sỹ, tưởng nhớ đến anh linh các anh hùng liệt sỹ.
Đây là hoạt động truyền thống thể hiện sự tri ân công lao của các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Trong những ngày qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực, tri ân các gia đình thương binh liệt sỹ, các vị lão thành cách mạng, người có công với đất nước.
Cùng ngày, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tới dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng.
Dịp này, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuyên đề "Đi qua cuộc chiến". Chuyên đề gồm ba phần: Ký ức nơi chiến trường, Khi cuộc chiến đã qua và Ước mơ.
*
Ngày 27/7, tỉnh Hậu Giang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ như: dâng hương viếng các anh hùng liệt sỹ; an táng hài cốt liệt sỹ; khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm Nghĩa trang liệt sỹ; họp mặt Kỷ niệm; tổ chức lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 34 bà mẹ; tuyên dương, khen thưởng 70 cá nhân, 65 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa; nghiệm thu công trình nâng cấp, trùng tu Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh...
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Hậu Giang thắp hương tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành trong tỉnh quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công; làm tốt hơn công tác duy tu, tôn tạo các nghĩa trang liệt sỹ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh và người có công tiêu biểu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống yêu nước và đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ...
Hậu Giang hiện có trên 12.000 gia đình liệt sỹ; hơn 5.000 thương binh, bệnh binh; hơn 6.500 người tham gia hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; hơn 1.000 người tham gia hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày và hơn 7.000 người có công giúp đỡ cách mạng.
* Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận tổ chức có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, thân nhân của các liệt sĩ và người có công...
Thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN |
Tỉnh Ninh Thuận có hơn 36.000 đối tượng người có công với nước, trong đó hơn 4.000 đối tượng được chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng. Ngoài chế độ trợ cấp thường xuyên, tỉnh Ninh Thuận cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng qui định các chế độ ưu đãi người có công khác. Tỉnh cũng ban hành và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em liệt sỹ, thương binh, bệnh binh; đồng thời phát động thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp, ngành, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Lưu Xuân Vĩnh bày tỏ lòng biết ơn với các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, các thương bệnh binh, gia đình đã có cống hiến to lớn cho quê hương, đất nước; biểu dương các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội cùng toàn thể nhân dân đã tích cực đóng góp, chia sẻ khó khăn với các đối tượng có công. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác người có công; tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công.
Dịp này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tặng bằng khen cho 64 người có công tiêu biểu trên các lĩnh vực trong năm 2017.
*
Tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hi sinh, mất mát của các liệt sĩ, thương binh và gửi lời tri ân tới các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với nước.
Hiện nay ở Đồng Nai có hơn 56.000 đối tượng người có công. Hàng năm, nguồn ngân sách Trung ương chi cho Đồng Nai trên 250 tỷ đồng để thực hiện các chính sách đối với người có công; tỉnh cũng dành trên 20 tỷ đồng để tặng quà nhân các dịp lễ tết cho những người có công và gia đình, thân nhân liệt sĩ. Các cấp chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quan tâm thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong giai đoạn từ 2012 đến nay, toàn tỉnh đã quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ tại địa bàn các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom và đặc biệt là tại các hố chôn tập thể ở huyện Nhơn Trạch, thị xã Long Khánh và sân bay Biên Hòa.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đề nghị các cấp Đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo cho người có công, gia đình chính sách; giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần để thực hiện mục tiêu các gia đình có công với nước đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư.
Dịp này, tỉnh Đồng Nai khen thưởng 60 tập thể và 218 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn 2012-2017.
*
Thực hiện Chỉ thị 07- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, 10 năm qua, tỉnh Điện Biên đã xem xét, giải quyết chính sách cho gần 1.700 đối tượng người có công với cách mạng, trong đó có trên 150 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 5 mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Tỉnh Điện Biên đã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng và một lần cho gần 3.000 lượt đối tượng người có công với cách mạng; cấp thẻ bảo hiểm y tế hàng năm cho gần 2.400 người có công và thân nhân; trợ cấp ưu đãi giáo dục cho con của đối tượng người có công trên 11 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công vào dịp lễ, tết với số tiền trên 11 tỷ đồng; xây dựng được 460 ngôi nhà tình nghĩa, tặng 842 sổ tiết kiệm tình nghĩa.… Tỉnh Điện Biên cũng đã tổ chức chu đáo, trọng thể 27 đợt quy tập, đón nhận 280 hài cốt liệt sỹ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên nước bạn Lào về an táng tại các Nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên. Hiện nay, tỉnh đang quản lý 8 nghĩa trang liệt sĩ, với 6.646 ngôi mộ (trong đó có 3 nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Lâm Văn Năm bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh hùng, liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh và thân nhân các gia đình liệt sỹ. Các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong thời gian tới cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng tham gia phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ trong phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt là các công trình nghĩa trang liệt sỹ chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954…
Dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bằng khen cho 1 cá nhân là người có công với cách mạng tiêu biểu có thành tích cao trong lao động sản xuất; 27 tập thể và 14 cá nhân xuất sắc trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". UBND tỉnh Điện Biên tặng 50 suất quà cho các thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Trước đó, sáng cùng ngày, các đại biểu đã đến dâng hương, đặt vòng hoa viếng các anh hùng liệt sỹ tại Nhĩa trang liệt sỹ quốc gia A1, thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
*
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Tại những nơi đến thăm, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các gia đình chính sách; đồng thời bày tỏ sự tri ân sâu sắc với những đóng góp của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Lãnh đạo tỉnh Nam Định đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công cả vật chất lẫn tinh thần...
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong tặng quà đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, gia đình chính sách…tại xã Trực Khang, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Tỉnh Nam Định hiện có trên 36.000 liệt sỹ; 2.744 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 115 mẹ còn sống); trên 25.000 thương binh; 16.000 bệnh binh; trên 800 cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa; gần 1.600 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; trên 10.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...
Những năm qua, Nam Định đã giải quyết chính sách ưu đãi và các chế độ trợ cấp, quyền lợi có liên quan cho trên 170.000 lượt người có công, thân nhân người có công. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây tặng 136 nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa 65 nhà ở của gia đình người có công; trao 900 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn...