Nhấn mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cần lưu ý đến việc tăng cường liên kết vùng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng liên kết vùng hiện nay còn rất lỏng lẻo. Điều này thể hiện rất rõ trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua. Sự lúng túng của các địa phương tại hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long trong đợt dịch này đã cho một bài học sâu sắc. Nếu các địa phương được liên kết chặt chẽ, kịp thời với nền tảng liên kết là cơ sở chia sẻ, điều phối nhân lực, vật lực, tài lực thì việc ứng phó dịch bệnh sẽ bớt những tình huống không đáng có.
"Thời điểm bùng phát dịch có nhiều lúc chúng ta phải chấp nhận việc địa phương này cách ly với địa phương khác. Tuy nhiên, nếu đã có sự liên kết vùng chặt chẽ thì không lý nào các tỉnh, thành phố trong vùng lại không tạo ra được những luồng xanh liên kết về nông sản, hàng hóa, đi lại, chăm sóc y tế và hỗ trợ khác nhau nhằm an dân, trong đó có việc giữ chân người lao động", đại biểu Nguyễn Minh Sơn nói.
Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế quản lý, điều hành, phối hợp cụ thể, có tính pháp lý cao nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển liên kết vùng- đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu.
Cho rằng liên kết vùng trong nông nghiệp hiện nay còn “tự phát”, “mỗi nơi mỗi khác”, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh: Cần chú trọng việc liên kết vùng trong nông nghiệp và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và nông dân. Các địa phương có cùng điểm tương đồng và ngành hàng có thể liên kết thay vì bó hẹp ở từng địa phương, không gian phát triển vùng càng lớn thì quy mô kinh tế càng lớn hơn.
Chính quyền kiến tạo, nông dân thực hành, doanh nghiệp đảm nhận vai trò dẫn dắt, tư vấn sản xuất theo hướng chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ, tăng giá trị kinh tế cao, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển công nghiệp chế biến sau thu hoạch thích ứng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh và sinh thái bền vững mà vẫn bảo đảm an ninh lương thực lâu dài.
“Tuy nhiên, việc liên kết vùng ra sao, ai đứng ra liên kết thì chưa biết, giá cả mỗi nơi mỗi khác. Mặt khác, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn diễn ra tự phát, chưa có cầu nối từ nhà nước nên vẫn còn bấp bênh, hai bên chưa thông hiểu nhau”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Nêu ra việc đồng bằng sông Cửu Long chỉ có hơn 10% diện tích lúa được liên kết, 90% còn lại nông dân chật vật tìm đầu ra, thậm chí phải bán tháo để có chi phí trang trải, đại biểu Đồng Tháp nhấn mạnh: Với nền kinh tế thị trường, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thiếu sự hợp tác, thiếu tin tưởng nhau thì nền nông nghiệp nước ta khó lớn mạnh, sẽ đối mặt với rủi ro nhiều hơn khi có sự cố.
Vì vậy, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, ngành Ngoại giao, ngành Công Thương cần tiếp cận thị trường nước ngoài, tư vấn cho nông dân để có nơi tiêu thụ nông sản thường xuyên. Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, độ phì nhiêu của đất cạn kiệt dần thì việc chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế hướng tới những giá trị xanh, tối ưu hóa giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích canh tác là rất cần thiết. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thay cho việc thâm canh tăng vụ để tăng sản lượng lương thực.
“Muốn được thế, việc thay đổi tư duy cho nông dân cần được trải nghiệm thực tế”, đại biểu Phạm Văn Hòa thảo luận.