Bên hành lang Quốc hội, trả lời phóng viên báo Tin tức sáng 8/11, đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho rằng, Chính phủ đã có quyết định quan trọng, chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch phù hợp với tình hình mới từ zero COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, thiếu thốn về vaccine, sinh phẩm, thuốc, thiết bị cho xét nghiệm điều trị, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã chủ động thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine.
Đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, làn sóng thứ tư của đại dịch COVID giữa hai kỳ họp Quốc hội có mức độ tàn phá lớn, gây hậu quả tới nền kinh tế - xã hội, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích, đánh giá nhìn nhận toàn diện về đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, đã khiến hàng vạn gia đình, hàng triệu người lao động và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Cử tri đang trông đợi Quốc hội ban hành một nghị quyết, trong đó có những giải pháp khả thi để đạt được đồng thời 3 mục tiêu lớn là: Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, bảo đảm an sinh xã hội tốt và tiếp tục phòng chống dịch có hiệu quả. Nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống và sự phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) đề nghị “Trong nghị quyết hằng năm của Quốc hội cần nêu rõ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kế hoạch của chương trình rất quan trọng, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia”.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện nội dung đất ở, đất sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm tại chỗ đối với một bộ phận người dân sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, mua bán nhỏ. Đây cũng là nội dung được Ủy ban Dân tộc nêu trong báo cáo gửi đến các địa biểu Quốc hội trước kỳ họp. Những vấn đề đặt ra đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay mang tính cấp bách, bởi khó khăn từ tác động của đại dịch vừa qua là rất lớn, khi lưu thông hàng hóa bị đình trệ và các nhóm người lao động từ khu vực đô thị trở về đã làm gia tăng áp lực xã hội tại những vùng này.
Đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị cần bố trí đủ nguồn lực cũng như trách nhiệm triển khai thực hiện của các bộ, ngành vì đã có tiền lệ thực hiện chưa tốt một số chương trình, chính sách quan trọng đối với vùng dân tộc và miền núi.
“Tôi còn nhớ ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2085 phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của giai đoạn 2017-2020. Tuy quyết định được Thủ tướng ký từ năm 2016 nhưng mãi đến năm 2019 mới được giao vốn đầu tư phát triển và chỉ đạt có 14,66% nhu cầu”, đại biểu Cao Thị Xuân kiến nghị.
Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số vào tháng 4/2019, có tới gần 13.000 hộ người dân tộc thiểu số di cư tự phát cần được sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, hơn 54.000 hộ thiếu đất sản xuất, hơn 58.000 hộ thiếu đất ở và khoảng 220.000 hộ thiếu nước sinh hoạt cần được hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ để giải quyết vấn đề này thuộc về dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030. Thời điểm này chỉ còn gần hai tháng nữa là kết thúc năm 2021, dự án vẫn phải đợi vốn chưa thể triển khai được.
Theo các đại biểu Quốc hội, đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, trong đó có nhiều khu vực có ý nghĩa trọng yếu về an ninh, quốc phòng, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội chung và bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia nói riêng.
Đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và các chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, việc bố trí đủ nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là cách để chúng ta đền đáp lại niềm tin của đồng bào.