Thủ tướng Nguyễn Xuân phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hai tháng đầu năm 2017, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu giảm sút, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,8% của năm ngoái.
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng thấp hơn năm ngoái, 8,7%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 9,3%. Thu ngân sách cũng đạt thấp hơn 17,7% so với cùng kỳ, đạt gần 11% dự toán năm.
Tuy vậy, những chỉ số đáng mừng là xuất khẩu tăng trưởng tốt, đạt trên 27 tỉ USD, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 3,9% so với cùng kỳ, ước khoảng 14.500 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là trên 152 nghìn tỉ đồng. Hai tháng đầu năm cũng đón nhận tin vui là số khách du lịch tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,69% so với tháng 12/2016. Tín dụng cũng tăng trưởng ngay từ đầu năm. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp mua cổ phần đạt trên 3,4 tỉ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ ra một số vấn đề cần tập trung chỉ đạo để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần chú trọng những ngành, lĩnh vực đang có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Theo đó, cần sớm thực hiện các dự án đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ cao, điện thoại di động, nông nghiệp nông thôn, nhất là các khu nông nghiệp công nghệ cao với các chính sách đầu tư ưu đãi, song song với đó là mở rộng thị trường nội địa.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các thành viên Chính phủ chú ý đến mục tiêu kiềm chế lạm phát trước tác động mạnh của các biến động về giá để có những giải pháp phù hợp trong quản lý điều hành.
Trong phát biểu kết luận, nhận định tình hình kinh tế - xã hội chung của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hai tháng đầu năm 2017, tình hình cơ bản tốt về vĩ mô kể cả tăng trưởng, mặc dù có một số ngành hàng, mặt hàng có tăng trưởng thấp. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương có các phản ứng chính sách nhanh hơn, tốt hơn, kịp thời hơn trước tác động của tình hình quốc tế và trong nước.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải cách về thể chế ở mọi cấp mọi ngành, đặc biệt là 250 công việc Chính phủ đã xác định cần giải quyết, nhất là về thủ tục hành chính ở cấp địa phương. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tăng cường kiểm tra, thậm chí có thể tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19/CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 tại các địa phương.
Một lần nữa nhấn mạnh đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, Thủ tướng đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp buông lỏng quản lý như trường hợp tòa nhà 18 tầng xây không phép thuộc dự án khu đô thị chức năng Đại Mỗ, Hà Nội. Dư luận đang chờ thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt xử lý nghiêm các trường hợp tương tự khác mà dư luận đang bức xúc.
Cùng với đó là đánh giá, khen thưởng đúng, kịp thời các cá nhân, tổ chức có thành tích tốt; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung tháo gỡ những thể chế ràng buộc, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp xử lý, trong đó có cả bất cập trong công tác quản lý cai nghiện hiện nay hay việc sửa đổi Nghị định về tổ chức khen thưởng, phong tặng các danh hiệu Nhà nước do Bộ Văn hóa Thể thao du lịch chủ trì để kịp thời giải quyết các trường hợp dư luận đang quan tâm.
Về kinh tế xã hội, khẳng định nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện mục tiêu 2017 đạt 6,7% tăng trưởng, kiểm soát lạm phát ở mức 4% với một ý chí, quyết tâm mạnh mẽ hơn.
Về một số vấn đề cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% với các phương án, kịch bản cụ thể; điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng cũng nhắc Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp xây dựng gói hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao với số vốn ít nhất 100 ngàn tỷ đồng. Song song với đó, cơ quan này cần tiếp tục tập trung xử lý hiệu quả nợ xấu, gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng thương mại yếu kém, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kiên quyết xử lý vi phạm. Thủ tướng mong muốn hệ thống các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm thêm lãi xuất cho vay để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Bộ Tài chính phải chủ động làm tốt công tác thu ngân sách ngay từ đầu năm, bảo đảm an toàn nợ công, chống chuyển giá; phối hợp với Bộ Công Thương quản lý tốt thị trường, giá cả. Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy thị trường bán lẻ, chú trọng việc tháo gỡ khó khăn đối với từng ngành công nghiệp để kích cầu, giảm tồn kho, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước. Thủ tướng nhắc nhở Bộ Công thương sớm có phương án xử lý cơ bản trong năm 2017 đối với 12 dự án tồn đọng, thua lỗ kéo dài năm 2017...