Thủ tướng khảo sát các dự án hạ tầng quan trọng tại Bình Dương

Sáng 3/12, trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra, khảo sát các dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Dương.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác kiểm tra, khảo sát các dự án gồm: Dự án Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Tuyến đường có tổng chiều dài tuyến là 69km, từ nút giao Gò Dưa - Thành phố Hồ Chí Minh đến Quốc lộ 14 - tỉnh Bình Phước đi qua Thành phố Hồ Chí Minh dài 1,65km, Bình Dương dài 60,25km, Bình Phước dài 7,1km.

Phương án đầu tư giai đoạn 1 bằng ngân sách với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, thời gian triển khai từ 2023-2025; Giai đoạn 2, đầu tư xây dựng đường cao tốc 4 làn xe theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 13.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2026.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải, Cái Mép; Quy hoạch tuyến Metro Suối Tiên - Thành phố Mới Bình Dương - Bàu Bàng; điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng cũng khảo sát thực địa dự án Tuyến Đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải -Cái Mép và Quy hoạch tuyến Metro Suối Tiên - Thành phố mới Bình Dương - Bàu Bàng. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đông ý chủ trương, giao UBND tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tuyến Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đối với dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương, có tổng chiều dài khoảng 26 km; tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 19.280 tỷ đồng; hiện nay đã hoàn thành công tác cắm mốc ranh giải phóng mặt bằng ngoài thực địa, đang trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu kỹ thuật dự án; dự kiến khởi công theo kế hoạch chung của Chính phủ vào ngày 30/6/2023.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tuyến đường Vành Đai 4 đến đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tiếp đó, Thủ tướng và Đoàn công tác khảo sát dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương, dài 48,3km, quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc. Hiện một số đoạn tuyến thuộc dự án đã được đầu tư.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn 1 triển khai từ năm 2023-2025, đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; giai đoạn 2 đầu tư theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư dự kiến 18.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2026.

 Dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành – Đức Hòa) qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 31,653Km. Điểm đầu tại nút giao với QL13 (Chơn thành - Bình Phước), điểm cuối tại giáp sông Sài Gòn. Giai đoạn trước mắt, đầu tư xây dựng tuyến đường có quy mô tương đương cấp III hai làn xe; giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư quy mô đường cao tốc 6 làn xe. Hiện, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 1032/QĐ-BGTVT ngày 28/7/2022 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, dự kiến khởi công năm 2023, hoàng thành năm 2025).

Tại các điểm đến kiểm tra, khảo sát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây đều là những dự án hạ tầng quan trọng kết nội tỉnh Bình Dương với khu vực Đông Nam Bộ, các khu vực lân cận, cả nước và với cửa ngõ đi ra quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Dương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và địa phương liên quan đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, triển khai đầu tư các dự án, vì dự án hoàn thành đi vào sử dụng sớm ngày nào thì góp phần phát triển kinh tế-xã hội ngày đó.

Thủ tướng đề nghị có cơ chế thu hút các nguồn lực, nhất là đầu tư theo hình thức công tư, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ”. 

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, tỉnh Bình Dương phải tổ chức giải phóng mặt bằng sớm; dành quỹ đất, chuẩn bị hạ tầng tái định cư, sinh kế cho người dân đảm bảo tốt hơn, ít nhất là bằng với nơi ở cũ.

Đối với các tuyến giao thông cần nghiên cứu, xem xét mở các nút giao phù hợp để mở rộng, khai thác không gian phát triển mới. Tuy nhiên, phải tận dụng quỹ đất có vị trí thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo của cải vật chất bền vững, lâu dài; không nên chỉ phát triển bất động sản nhà ở đơn thuần.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chuyện với công nhân Khu Công nghiệp Bàu Bàng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cũng trong sáng 3/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm công trường xây dựng Nhà máy số 2 chuyên sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác của Công ty TNHH PAIHONG Việt Nam tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, Bình Dương.

Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn lao động và đời sống công nhân; phát triển nhà máy theo hướng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng khu công nghiệp Bàu Bàng theo hướng “4 trong 1” (công nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao và đô thị).

Về khó khăn trong triển khai dự án, nhất là trong thu hút lao động tại khu vực, Thủ tướng cho rằng nhà đầu tư cần phối hợp với chính quyền, các cơ quan liên quan phát triển nhà ở công nhân với giá cả phù hợp, nâng cao thu nhập của công nhân; thực hiện các biện pháp ứng dụng công nghệ, cải tiến quy trình… để tăng năng suất lao động, đồng thời quan tâm tới hạ tầng y tế giáo dục và thiết chế văn hóa… để công nhân yên tâm làm việc.

Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục góp ý, hiến kế để Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, trên tinh thần xây dựng, cùng nhau tháo gỡ, tiếp tục giới thiệu thêm các nhà đầu tư mới tới Việt Nam, trên tịnh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra Bệnh viện Đa khoa Bình Dương mới (phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dành thời gian thăm công trường xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Bệnh viện có quy mô 1.500 giường, mức vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ từ nguồn ngân sách địa phương. Dự án được khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2022.

Nhưng do một số khó khăn như dịch COVID-19, nhất là việc nhập khẩu thiết bị kỹ thuật do đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu nên tiến độ nhập khẩu thiết bị bị chậm. Quá trình nhập khẩu thiết bị có những thay đổi công nghệ cần cập nhật, cơ chế chính sách mua sắm đầu tư công cũng có quy định mới, chờ hướng dẫn thực hiện.

Sau khi nghe báo cáo tình hình thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, do khâu dự báo, chuẩn bị đầu tư kém nên khi triển khai dự án phát sinh nhiều vấn đề, kéo dài thời gian đầu tư. Bên cạnh đó, việc dự án bị chia cắt thành nhiều gói thầu, không có tổng thầu cũng dẫn đến thiếu sự khớp nối, phối hợp, không đồng bộ; hơn nữa nguồn nhân lực chuẩn bị cho vận hành Bệnh viện cũng chưa sẵn sàng.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Đa khoa Bình Dương mới (phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng cho rằng, những yếu kém trên cần rút kinh nghiệm không chỉ ở dự án này mà cho nhiều dự án khác, không chỉ ở Bình Dương mà trong cả nước để  các khâu xây lắp, lắp đặt trang thiết bị, đào tạo thu hút nguồn nhân lực phải được triển khai đồng thời nhịp nhàng...

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương chỉ đạo khẩn trương hoàn thành xây lắp; hoàn thiện các thủ tục nhập, lắp đặt thiết bị, trong đó xem xét chuyển đổi thiết bị từ các bệnh viện phòng, chống COVID-19; phối hợp với các cơ sở đào tạo chuẩn bị đội ngũ y bác sỹ đủ năng lực trình độ, tâm huyết để vận hành bệnh viện, khám chữa bệnh cho người dân; đặc biệt xây dựng, lựa chọn cơ chế vận hành phù hợp, hiệu quả, lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, song phải quan tâm đời sống, điều kiện làm việc, sinh hoạt của công nhân để công nhân đảm bảo sức khỏe làm việc; đặc biệt, các đơn vị lưu ý tránh tiêu cực, tham nhũng trong quá trình triển khai dự án.

Phạm Tiếp  (TTXVN)
Bình Dương triển khai thí điểm mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến
Bình Dương triển khai thí điểm mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến

Ngày 30/11, Công an tỉnh Bình Dương chính thức triển khai kế hoạch mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06/CP, tại địa điểm khu dân cư Phú Hòa 1, khu chung cư First Hom Bình Dương (phường Hưng Định, thành phố Thuận An) và Khu căn hộ Phú Đông Premier, phường An Bình, thành phố Dĩ An.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN