Nguồn vốn FDI rót vào Bình Dương năm 2022 dự kiến vượt gần 1,6 lần so với kế hoạch đề ra. Cùng thời gian trên, tỉnh cũng đã thu hút 84.812 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 17,1% so với cùng kỳ).
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,29% (cùng kỳ tăng 2,79%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là hơn 67% - 21,9% - 2,9% - 7,5%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,9% so với năm trước (cùng kỳ tăng 4,5%). Tỉnh đang tập trung thực hiện các thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư đang quan tâm.
Ông Võ Văn Minh đánh giá năm 2022, nền kinh tế của tỉnh phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19; trong đó, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh. Đáng chú ý có những dự án đầu tư lớn tỷ USD như Tập đoàn LEGO vừa khởi công xây dựng dự án có vốn đầu tư 1,3 tỷ USD tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã minh chứng về kết quả thu hút đầu tư của tỉnh ngày càng hấp dẫn.
Mục tiêu của tỉnh hướng đến nâng cao chất lượng những dự án áp dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn, dự án ít thâm dụng lao động, hạn chế ảnh hưởng môi trường để hướng tới phát triển nền công nghiệp xanh, thông minh, bền vững…
Hiện tỉnh có lợi thế có 28 khu công nghiệp tập trung với quỹ đất sạch được quy hoạch dồi dào, sẵn sàng đón nhận sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu vào thị trường Việt Nam; trong đó có vùng Đông Nam bộ và Bình Dương. Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương vừa ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải (THACO) để xây dựng khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, dự kiến quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỉ đồng (tương đương hơn 1 tỉ USD).
Đây là khu công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ, góp phần tạo ra "sân chơi" cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước giao thương, hợp tác, thu hút thêm vốn ngoại.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sức hút vốn ngoại của tỉnh đang nổi trội và hấp dẫn ở vùng Đông Nam bộ là nhờ kết nối tốt hạ tầng, đầu tư các khu công nghiệp tập trung hiện đại, qua đó giúp cho Bình Dương duy trì tăng mạnh "hút" vốn FDI chỉ đứng sau Tp. Hồ Chí Minh. Tính đến nay, Bình Dương có hơn 4.000 dự án vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn cán mốc 40 tỷ USD.
Tiếp tục năm tới 2023, Bình Dương đặt mục tiêu thu hút từ 1,8 tỷ USD vốn ngoại. Theo đó, tỉnh đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu cùng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung lãnh đạo thực hiện trong năm 2023 theo hướng đi vào chiều sâu để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, tạo đà cho việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI đề ra cho cả nhiệm kỳ.
Tỉnh tiếp tục quan tâm tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn một cách thực chất; quyết tâm điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công hàng năm, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng; khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý, bố trí đủ vốn cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh như đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một xuống Thuận An, Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường sắt Bàu Bàng - Cái Mép; hoàn thành đưa vào sử dụng các tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường từ Tam Lập đến Đồng Phú…
Mục tiêu của Bình Dương tập trung xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng, tạo nên lực hấp dẫn mới trong kêu gọi thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhằm nâng cao năng lực phát triển mới, hiện đại. Giao thông là một trong 4 trụ cột chính gồm công nghiệp, dịch vụ và đô thị để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.