Đảm bảo điều kiện dạy - học cho thầy - trò vùng dân tộc thiểu số
Quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) dẫn chứng: Qua giám sát có thể thấy, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, việc dồn ghép các điểm trường một cách cơ học ở một số nơi diễn ra dẫn đến khó đáp ứng yêu cầu chất lượng, tỷ lệ dân tộc thiểu số mù chữ còn đáng lo ngại; chương trình giáo dục còn chưa phù hợp. Bày tỏ sự lo ngại đối với chương trình giáo dục sắp tới tích hợp sách giáo khoa với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên như thế sẽ rất khó khăn, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp giải quyết.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: Giáo dục miền núi được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, ưu tiên về cơ sở vật chất, trường lớp, ưu tiên về chính sách đối với giáo viên, người đi học. Thời gian qua, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua Nghị định 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo, chính sách đối với giáo viên mầm non và Quyết định 775/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trang thiết bị ở nhiều tỉnh như: Gia Lai, Kon Tum, Hà Giang..., chưa đến 50% là kiên cố, còn lại là trường tạm.
Nhấn mạnh tinh thần dù tinh giản đầu mối nhưng phải đảm bảo điều kiện dạy và học cho thầy, trò, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để đảm bảo bố trí đủ biên chế giáo viên; triển khai chương trình dạy song ngữ; cấp sách giáo khoa cho vùng khó khăn; biên soạn chương trình giáo dục phù hợp địa phương; xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai đề án kiên cố hoá trường lớp vùng khó khăn; hướng dẫn các địa phương dồn điểm trường lẻ thành điểm chính, đảm bảo các cháu tiểu học gần nhà… Đối với dạy tiếng dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn 8 thứ tiếng và đang nghiên cứu để tiếp tục phổ biến. Bộ đang bố trí rà soát và dạy song ngữ với tiểu học; tăng cường dạy tiếng dân tộc và tiếng Việt. Đối với cấp 1, tiếng Việt cho đồng bào dân tộc thiểu số cần tăng cường.
Đối với biên soạn chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chương trình biên soạn sách giáo khoa địa phương, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số và tham mưu cho Chính phủ; chủ động các giải pháp để khắc phục.
Về các điểm trường lẻ phân bổ rải rác, định biên giáo viên trên lớp cũng ít, số lớp ở trường ít, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị dồn điểm lẻ thành điểm chính, ưu tiên cho học sinh tiểu học gần nhà, tránh dồn xa; ưu tiên khuyến khích các trường phổ thông dân tộc nội trú có hiệu quả, theo hướng không chỉ học sinh dân tộc thiểu số mà cả học sinh không phải dân tộc có thể sống chung trong ký túc xá để chia sẻ, hội nhập với nhau. Hội nhập giữa học sinh dân tộc thiểu số và học sinh dân tộc khác sẽ tốt hơn.
Chưa đồng tình với câu trả lời, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) tranh luận: Tỷ lệ về mù chữ vì sao càng ngày càng tăng. Bộ trưởng phải cam kết tính chân thực của tỷ lệ mù chữ? Sách giáo khoa, điều kiện cơ sở vật chất đội ngũ và trình đô học vấn không đồng đều mà chưa thấy Bộ trưởng nêu vấn đề này? Cơ sở vật chất còn hạn chế và giai đoạn trước còn thiếu nhiều?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tỷ lệ mù chữ ngày càng gia tăng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát lại tỷ lệ mù chữ và tái mù để có giải pháp thích hợp. Về sách giáo hoa, điều kiện thực hiện chương trình mới không chỉ với đồng bào dân tộc mà còn ở các tỉnh khác, cần có sự đồng bộ về giáo viên và cơ sở vật chất. Bộ đã tính toán chương trình sách giáo khoa địa phương; biên soạn tài liệu phù hợp với đồng bào dân tộc với 8 thứ tiếng cơ bản, bảo đảm điều kiện tiếp cận với học sinh và giáo viên miền núi khó khăn. Bộ trưởng khẳng định sẽ ghi nhận ý kiến của đại biểu để bảo đảm chương trình sách giáo khoa khả thi hơn.
Quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho thanh niên dân tộc
Quan tâm đến giải pháp giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc sau khi được đào tạo, đại biểu Trần Văn Chiến (Vĩnh Phúc) nêu rõ: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là về lao động, việc làm. Tuy nhiên, việc giải quyết việc làm cho con em đồng bào sau được đào tạo còn hạn chế. Trách nhiệm của Bộ trưởng khi con em đồng bào được đào tạo nhưng chưa được giải quyết việc làm?
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Bộ trưởng Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi này. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin theo kết quả điều tra quý II/2018, cả nước có khoảng 313.000 thanh niên nông thôn đang thiếu và thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cả nước nói chung là khoảng 5,72% ở khu vực này so với tỷ lệ chung bình quân cả nước thấp hơn nhưng cao gấp 3,3 lần so với khu vực chung. Trong đó, nhiều thanh niên nông thôn, đặc biệt thanh niên dân tộc thiểu số tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn.
Về các giải pháp triển khai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Bộ đã chỉ đạo các trường tăng cường liên kết đào tạo với doanh nghiệp, song vẫn cần chú ý vào một số giải pháp. Trước hết, hiện có trên 116 chính sách khác nhau, trong đó có 7 loại chính sách để hỗ trợ thanh niên dân tộc miền núi học nghề, được nâng cao trình độ. Việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp nếu làm tốt, sẽ là hướng đi đúng đắn.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần thực hiện tốt hai chương trình mục tiêu quốc gia, trong kết nối đầu tư kinh phí cho chương trình này. Chương trình giảm nghèo và đầu tư nông thôn mới cần quan tâm nhiều đến đào tạo nghề, hỗ trợ để có việc làm cho thanh niên; tập trung đổi mới chương trình kết nối doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu lao động cho khu vực đặc biệt khó khăn. Thời gian tới, công tác xuất khẩu lao động cần được quan tâm nhưng phải có sự thay đổi, ví dụ đào tạo dài hơn, yêu cầu trình độ ngoại ngữ thấp hơn, lựa chọn công việc phù hợp, quan tâm đến tâm lý các thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số...