Thông tin về Clermont Group, Chủ tịch Richard F. Chandler cho biết, Tập đoàn có hai trụ sở và cũng là hai lĩnh vực chính là Clermont Holdings (Công ty quản lý các công ty thành viên) và Clermont Capital (Công ty quản lý các danh mục đầu tư), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ngân hàng, đầu tư với đối tác chính là các quốc gia đang phát triển, là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại các thị trường mới nổi như Brasil, đóng góp mạnh mẽ trong ngành tài chính, ngân hàng ở Ấn Độ và là cổ đông lớn của ngân hàng tại Nga, Nhật.
Với những kinh nghiệm đó, Clermont không chỉ có kinh nghiệm đối với các quốc gia đang phát triển mà cả các quốc gia phát triển. Khi Clermont bước chân vào các quốc gia đang phát triển và phát triển thì tình hình ở các nước này đều rất tệ, chẳng hạn khi vào Brasil năm 1991 thì lạm phát của nước này là 1.000%; vào Nhật năm 1993 thì ngân hàng hầu như phá sản, Ấn Độ năm 2005 thì tình hình tài chính, ngân hàng cũng rất yếu kém. Tập đoàn mong muốn có nhiều đóng góp tại Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về Clermont có thể làm những gì cho Việt Nam trong việc tái cơ cấu các ngân hàng hoạt động yếu kém, xử lý nợ xấu, ông Richard F. Chandler khẳng định, kinh nghiệm tại Brasil, Nga, Nhật và Ấn Độ là điều kiện để Clermont có khả năng “bước chân” vào Việt Nam. Bản thân ông là chuyên gia có trình độ về kế toán nên có thể hoạch định, giúp cho công việc triển khai tốt hơn. Về đóng góp vào quá trình số hóa trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, ông Richard F.
Chandler dẫn chứng, ở Ấn Độ, Clermont có tổ chức tài chính cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng trí tuệ nhân tạo với khoảng 100 chi nhánh hoạt động, cung cấp các hình thức tài chính, tín dụng số hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn vay. Để có thể đánh giá chỉ số tín dụng cũng như mức độ tin cậy của người sử dụng và tiếp cận vốn, Clermont kết nối hệ thống nhận diện với Ủy ban quốc gia về tín dụng, đây là hệ thống đánh giá rất tin cậy.
Một trong những ưu tiên trong chính sách của Chính phủ Việt Nam là tối đa hóa sự sống động cũng như sự sinh động của nền kinh tế bằng cách cung cấp các khoản tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ phát triển. Tối đa hóa tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là một trong những biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Richard F. Chandler nói.
Chủ tịch Clermont Group khẳng định, nếu có cơ hội đầu tư, làm việc tại Việt Nam, Tập đoàn có thể cải cách các ngân hàng, mang những công nghệ mới, cam kết cung cấp những công nghệ số mới nhất tại Ấn Độ dựa trên ba tiêu chí chính của Clermont là hoạt động một cách chuyên nghiệp, chính trực và đổi mới sáng tạo. Clermont Group sở hữu 10% cổ phần tại một ngân hàng số có vị trí đứng đầu trên thế giới tại Anh, các khoản tín dụng đều được lưu trữ trên internet, Tập đoàn sẽ lấy khoản tiền này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay.
Ở Việt Nam, Clermont đã đầu tư vào Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ từ năm 2013, từ chỗ chỉ có 5 bệnh viện, cơ sở y tế, đến nay đã trở thành tập đoàn y khoa lớn nhất Việt Nam với 4.000 nhân viên, số lượng bệnh nhân có thể chữa trị lên đến 4 triệu người.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những thành công trong hoạt động đầu tư của Tập đoàn đã hiện diện tại Việt Nam, từ đầu tư thị trường chứng khoán, IPO một số ngân hàng đến lĩnh vực y tế mà Hoàn Mỹ là một ví dụ điển hình. Phó Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với những kinh nghiệm quốc tế của Clermont trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng, đầu tư các định chế tài chính trên nền tảng ngân hàng số và công nghệ tài chính (fintech).
Hoan nghênh triết lý kinh doanh dựa trên nền tảng đạo đức của Clermont, Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh cam kết của Tập đoàn về đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Phó Thủ tướng, Clermont là Tập đoàn kinh doanh quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư vào các định chế tài chính trên nền tảng ngân hàng số và fintech. Việt Nam rất có tiềm năng và nhu cầu trong lĩnh vực này, khi tầng lớp trung lưu tăng nhanh, số doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tăng với tốc độ kỷ lục. Trong điều kiện cách mạng 4.0, Chính phủ cũng đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
Nhấn mạnh đây là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn nhưng Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, Phó Thủ tướng đề nghị Clermont chia sẻ kinh nghiệm tư vấn cho Ngân hàng Nhà nước và cơ quan hữu quan của Chính phủ trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho fintech và ngân hàng số; nghiên cứu khả năng trực tiếp tham gia vào cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực fintech, ngân hàng số như số hóa dịch vụ tiêu dùng cá nhân và ngân hàng phục vụ cho doanh nghiệp trên nền tảng số để nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đối với các dịch vụ tài chính và ngân hàng, thông qua những ngân hàng mà Clermont đã tham gia vốn như VPbank, Vietcombank, Techcombank.
Chính phủ và Thủ tướng không có chủ trương thành lập thêm các ngân hàng 100% vốn nước ngoài nhưng khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém để có thể trở thành pháp nhân 100% vốn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Clermont thông qua Ngân hàng Nhà nước và cơ quan hữu quan lựa chọn ngân hàng tham gia tái cơ cấu trên cơ sở phương án cụ thể để Chính phủ xem xét, đồng thời với đó, đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mà Tập đoàn tham gia tại Việt Nam.