Thúc đẩy tái cơ cấu ngân hàng

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, một điểm đáng lưu ý trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là phải chú trọng xử lý nợ xấu, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo để kiểm soát dòng vốn tín dụng tốt hơn.

Theo ông Đặng Đức Thành, Ủy viên ban chấp hành Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), suốt thời gian dài từ năm 2006 - 2010, chính sách tiền tệ - tín dụng của NHNN đã nới lỏng quá mức để kích cầu, nhưng lại “độc quyền” nên giá tín dụng lại rất cao.

Trong đó, một phần tín dụng đưa vào thị trường bất động sản (BĐS), chứng khoán…, hệ quả trong thời gian này lãi suất cho vay rất cao, xoay quanh 15 -18%/năm, kéo theo đó hệ thống ngân hàng bị rủi ro thanh khoản, bất ổn thường xuyên. Chính vì vậy, nợ xấu ngân hàng phát sinh rất lớn và đến nay NHNN vẫn chưa giải quyết xong nợ xấu.

Giao dịch tại VPBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Việt - TTXVN.


Việc NHNN thực hiện kiểm soát chặt chẽ tín dụng từ năm 2011 đến nay đã góp phần quan trọng đưa lạm phát từ mức cao 18,13% (năm 2011) xuống còn 4% năm 2014. Theo đó, kinh tế vĩ mô cũng ổn định hơn nhưng nền kinh tế vẫn phải đối mặt với một số khó khăn là sức mua vẫn rất yếu, lãi suất ngân hàng giảm nhưng vẫn cao nhất khu vực, xoay quanh 10%/năm.

“Hệ thống ngân hàng đã từng bước được tái cơ cấu theo hướng thanh khoản đảm bảo hơn, nợ xấu từng bước được khắc phục dần, tuy nhiên tốc độ xử lý còn chậm so với yêu cầu”, ông Thành cho biết.

TS Vũ Đình Ánh, Viện Tài chính Việt Nam cũng cho rằng, để tái cơ cấu ngân hàng thành công cần có thêm đột phá về xử lý nợ xấu. Theo đó, cơ cấu lại hệ thống NH chỉ thành công khi gắn kết với cơ cấu lại từng NHTM, từ cơ cấu lại vốn điều lệ đến cơ cấu lại “tài sản có” và “tài sản nợ” của mỗi NHTM nhằm tạo ra một hệ thống NHTM lành mạnh, an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, cần xử lý vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống NHTM nói riêng và hệ thống tài chính nói chung.

Ông Đặng Đức Thành cũng cho rằng, vấn đề nổi cộm nhất trong hệ thống NHTM hiện nay là nợ xấu gia tăng và tính thanh khoản thấp nên NHNN cần có nguyên tắc về xử lý nợ xấu và tính thanh khoản áp dụng liên tục trong quá trình cơ cấu lại hệ thống. Theo đó, cần có các biện pháp điều chỉnh cơ cấu tín dụng và sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ bằng hành động thực tiễn.

Trong quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, kể cả dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại hay giải thể, phá sản thì xử lý tài sản, đặc biệt là các nghĩa vụ nợ là phức tạp, khó khăn nhất bởi quy mô rất lớn, đụng chạm đến nhiều đối tượng trên địa bàn rộng lớn; trong khi các mối quan hệ lại đan xen, rắc rối cũng như việc đánh giá chất lượng, xác định giá trị tài sản không hề đơn giản.

Do đó, NHNN cần bổ sung các phương thức xử lý tài sản trước, trong và sau quá trình cơ cấu lại với một thể chế rõ ràng để đảm bảo nguyên tắc hợp lý, công bằng, an toàn, chính xác và tránh thất thoát.

Theo ông Đặng Đức Thành, để cơ cấu tín dụng minh bạch thì phải tạo một thị trường tài chính lành mạnh với sự tham gia vốn hóa của nhiều kênh: chứng khoán, tín dụng, ủy thác, liên doanh… sao cho tín dụng không còn là kênh áp đảo các kênh khác như hiện nay. Đồng thời, chấm dứt các hình thức đầu tư núp bóng dưới hình thức tín dụng, sở hữu chéo.

Trong khi đó, theo ý kiến của TSVũ Đình Ánh, quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính phải gắn với quá trình cơ cấu lại đầu tư, nhất là đầu tư công với quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT). Bởi hiện nay, vốn đầu tư các DNNN hiện chiếm trên 20% đầu tư công và trên 30% tổng tín dụng, đó là chưa kể các DNNN cũng đồng thời là khách hàng chủ yếu của tín dụng Nhà nước thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam với quy mô hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Mặt khác, nhiều TĐ, TCT Nhà nước đã tham gia đầu tư trực tiếp và gián tiếp ngoài ngành vào NH, chứng khoán, bất động sản, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính… nên việc cơ cấu lại hệ thống NH không thể thực hiện thành công nếu không đồng bộ với cơ cấu lại các TĐ, TCT Nhà nước.


Hải Yên

Xử lý nghiêm lãnh đạo DN không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu
Xử lý nghiêm lãnh đạo DN không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBDN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch tập đoàn kinh tế phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN