Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao lãnh đạo tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã tổ chức chuyến đi rất có ý nghĩa, đây là hoạt động cần thiết nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với những người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách đền ơn đáp nghĩa, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công. Về cơ bản, chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng đã bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; đời sống của người có công đã từng bước được cải thiện. Tuy vậy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng ở một số địa phương còn vướng mắc, một bộ phận người có công với cách mạng và gia đình còn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật đối với người có công với cách mạng; đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung rà soát, hoàn thiện các thủ tục nhằm không để sót người có công không được hưởng chính sách. Các cơ quan cũng đang nghiên cứu, tham mưu với Quốc hội ban hành Luật Người có công với cách mạng để thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách đối với người có công.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, thời gian tới, các bộ, ban, ngành ở Trung ương tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách pháp luật đối với người có công; tập trung rà soát để nắm chắc số người trong diện hưởng chính sách; rà soát lại các quy định về thủ tục, sự thống nhất trong các văn bản hướng dẫn để người có công, người nhiễm chất độc da cam được hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong công tác đối với người có công; quan tâm hơn nữa đến công tác đền ơn đáp nghĩa; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia chăm sóc người có công với cách mạng. Thông qua các hoạt động thăm hỏi, chăm sóc, hỗ trợ cuộc sống, gia đình chính sách và người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.