Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm việc tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai

Sáng 2/12, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, cùng đoàn công tác của Trung ương đã làm việc tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và đoàn công tác thăm nhà máy chế biến mủ cao su của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. 

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương và chúc mừng những kết quả mà Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đạt được. Phó Chủ tịch nước ấn tượng với kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai mặc dù năm 2019 diện tích cây cao su giảm, đặc biệt là số lượng công nhân giảm khoảng 1.000 người so với năm 2018. Tuy nhiên, sản lượng và năng suất lao động của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai vẫn tăng cao, trong đó doanh số hoạt động tăng 30% so với năm trước. Năm 2019, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã đạt sản lượng 26,6 triệu tấn mủ, đạt 101% so với kế hoạch; tái cơ cấu lại vườn cây mới đạt trên 800ha. Phó Chủ tịch nước cho rằng đây là hai chỉ tiêu quan trọng mà Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao và Tổng Công ty đã hoàn thành vượt mức. 

Phó Chủ tịch nước đánh giá, bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai luôn chú trọng công tác thi đua khen thưởng và đưa công tác này đi vào thực chất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của đơn vị.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng những năm qua ngành cao su gặp rất nhiều khó khăn do giá mủ xuống thấp nhưng Tổng Công ty vẫn giữ và duy trì được mức lương khá cao đối với công nhân lao động là 8 triệu đồng/người. Phó Chủ tịch nước lưu ý Tổng Công ty cao su Đồng Nai cần tiếp tục chăm lo tốt hơn đời sống của công nhân lao động, trong đó chú ý đến lao động nữ. Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cần quan tâm, nắm bắt những tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tiếp tục đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất, kinh doanh, mặc dù diện tích và lao động giảm nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng cao.

Báo cáo của ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, nêu rõ: Tổng Công ty Cao su Đồng Nai được thành lập ngày 2/6/1975, trên cơ sở tiếp nhận quản lý 12 đồn điền cao su của chủ tư bản Pháp với tên gọi ban đầu là Công ty Cao su Đồng Nai. Tổng Công ty Cao su Đồng Nai hiện có 4.540 lao động, có 8 công ty do Tổng Công ty nắm giữ 50% vốn điều lệ trở lên. Hiện nay Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đang quản lý vườn cây trên tổng diện tích gần 34.000 ha. Đảng bộ Tổng Công ty cao su Đồng Nai là tổ chức Đảng tương đương cấp huyện, thành phố, trực thuộc tỉnh Đảng bộ Đồng Nai; gồm 23 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc với 1.199 đảng viên.

Trong năm 2019, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phát động như: “Phong trào cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Doanh nghiệp Đồng Nai hội nhập và phát triển”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”… Đồng thời, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đẩy mạnh phong trào thi đua với các mục tiêu “năng suất – chất lượng – hiệu quả, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”; phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất hoàn thành vượt mức kế hoạch năm; nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm…

Từ việc xác định tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng, liên tục trong những năm qua, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; các chỉ tiêu về sản xuất, lợi nhuận, thu nhập của người lao động, nộp ngân sách cho Nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Hiện Tổng Công ty cao su Đồng Nai tập trung vào các chương trình trọng điểm như: chương trình đầu tư thâm canh vườn cây về chiều sâu; chương trình nâng cao chất lượng và cơ cấu chủng loại sản phẩm; chương trình sắp xếp đổi mới, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nâng cao hiệu quả doanh nghiệp...

Tin, ảnh: Sỹ Tuyên (TTXVN)
Tư duy về kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa và cao su
Tư duy về kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa và cao su

Mô hình kinh tế tuần hoàn ngành nhựa và cao su đặt ra mục tiêu tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín tránh tạo ra phế thải, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN