Không phải là “sự ăn may”
Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là kết quả của sự phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó, sức mạnh dân tộc đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những tiếng nói muốn phủ nhận giá trị của cách mạng tháng Tám, coi thắng lợi của nhân dân Việt Nam là “sự ăn may”.
Những người này lập luận rằng: Từ sau cuộc đảo chính của Nhật (9/3/1945), Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng không còn là thuộc địa của Pháp, mà là thuộc địa của Nhật. Trong khi đó, phát xít Nhật đã bị quân Đồng minh đánh cho tơi tả, phải chịu thất bại thảm hại và tuyên bố đầu hàng. “Chính phủ” Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên không có thực lực. Bên cạnh đó, chính quyền phong kiến cuối cùng của nhà Nguyễn (Bảo Đại) gần như không có vai trò gì. Như vậy, ở Đông Dương xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, cho nên cách mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng lợi. Từ cách nhìn như vậy, họ cho rằng “cách mạng tháng Tám là một sự ăn may”.
Quân dân Thủ đô Hà Nội đánh chiếm Phủ Khâm sai ngay sau Lễ mít tinh ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, quan điểm này là hoàn toàn phiến diện và nhằm mục đích phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng và đi đến phủ nhận sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta. Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, cách mạng tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi ngoài yếu tố khách quan thuận lợi thì sự lãnh đạo của Đảng đóng vai trò quan trọng. Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ngay từ khi ra đời năm 1930 đã tập hợp được những cán bộ có tinh thần cách mạng, một lòng vì nước vì dân, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều tổn thất với biết bao chiến sỹ, cán bộ hy sinh, Đảng đã dần trưởng thành, rút được kinh nghiệm, thêm vào đó lãnh tụ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, dự đoán thời cơ chính xác, chớp thời cơ kịp thời đã phát động tổng khởi nghĩa thành công. “Nói thắng lợi là “ăn may” là xuyên tạc lịch sử bởi nếu Đảng không có thực lực, sáng suốt và bản lĩnh; nhân dân Việt Nam không đoàn kết trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, chặt chẽ, thì điều kiện quốc tế có thuận lợi đến mấy, cách mạng vẫn không thể thành công”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Tại thời điểm đó, ở châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng không phải chỉ duy nhất Việt Nam có điều kiện quốc tế thuận lợi, nhưng chỉ có Việt Nam là tận dụng được cơ hội, tiến hành cách mạng thắng lợi triệt để. Đó là do Đảng đã tập hợp được lực lượng đại đoàn kết toàn dân. Đảng lúc đó chỉ có hơn 1.300 đảng viên đang hoạt động, không kể số đảng viên đang bị kẻ thù cầm tù, nhưng bằng việc tuyên truyền để dân hiểu, dân tin nên đã huy động được hơn 20 triệu người đứng lên giành chính quyền. Việc chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa phù hợp với nguyện vọng, mong mỏi của người dân. “Nếu không có quá trình chuẩn bị suốt 15 năm, nếu không có tổn thất hy sinh và kinh nghiệm, nếu không có quá trình xây dựng lực lượng chính trị, quân sự cũng như xây dựng căn cứ địa rộng lớn, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa, thì không thể có thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945. Thời cơ giành chính quyền xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng các đảng phái và lực lượng chính trị khác ở Việt Nam không nắm được, trong khi đó Đảng Cộng sản Việt Nam lại nắm được, đã phát động một cuộc Tổng khởi nghĩa giành lấy chính quyền trong phạm vi cả nước. Điều này giải thích tại sao yếu tố nội lực quan trọng và quyết định nhất chứ không phải ăn may”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà phân tích.
Tin dân, trọng dân
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, cách mạng tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học lịch sử. Bài học lớn nhất, sau này chi phối toàn bộ tiến trình cách mạng, 30 năm kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội, rồi đổi mới, chính là bài học về phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân, đúng như Bác Hồ đã nói: Sự nghiệp cách mạng bắt đầu từ dân, cuối cùng cũng vì dân. Nếu làm được như thế, sức mạnh của nhân dân, dân tộc sẽ được phát huy đến cao độ, có thể vượt qua được tất cả khó khăn thử thách. “Lúc bấy giờ, số lượng đảng viên ít ỏi, về lực lượng vật chất vũ khí chủ yếu là tầm vông, mã tấu, dao; kinh tế đất nước đang lâm vào cảnh đói kém khiến gần 2 triệu người chết đói, nên không có đoàn kết không thể có sức mạnh”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
Cách mạng tháng Tám chính là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết cả dân tộc, đem sức ta tự giải phóng cho ta, chớp thời cơ để giành thắng lợi. Sau này, vẫn là sức mạnh của dân đã làm cho kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thắng lợi. Cũng chính dựa vào sức mạnh của dân để Đảng tiến hành công cuộc đổi mới. Đảng ta vẫn luôn coi trọng sức mạnh của dân với phương châm “lấy dân làm gốc”. Chính nhân dân là người có sáng kiến để Đảng tổng kết, quyết định đường lối đổi mới. Chính nhân dân thực hiện được đường lối đổi mới, hiện thực hóa đường lối đổi mới, đưa đường lối đổi mới vào cuộc sống để tiếp tục thực hiện Cương lĩnh của Đảng. Nếu không có sức mạnh của dân, chỉ có Đảng, có Nhà nước thôi thì sẽ không thể làm nên thành quả cách mạng.
Bên cạnh đó, thành công của cách mạng tháng Tám cũng đem đến bài học về tận dụng thời cơ và chớp thời cơ, xây dựng lực lượng chủ quan vững mạnh. Trong bối cảnh đất nước khó khăn, hiểu được đúng tình hình bối cảnh quốc tế để có phương pháp đúng, chủ trương đường lối đúng, tận dụng và chớp thời cơ để giành thắng lợi.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, trong thời đại ngày nay, những bài học của cách mạng tháng Tám vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Đó là bài học về tin dân, trọng dân. Hiện nay, lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền tại một số nơi đang bị thử thách, thậm chí giảm sút nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng này, những người lãnh đạo phải học được bài học lịch sử của cách mạng tháng Tám, hiểu rõ tại sao cách mạng tháng Tám thành công nhanh chóng và vang dội như thế trong bối cảnh rất khó khăn, để soi lại tình hình hiện tại. Đảng hiện nay phải tìm hiểu, biết người dân mong chờ gì để có đường lối, chủ trương đúng, mới tạo dựng được sự ủng hộ của người dân, biết ưu tiên điều gì trong lãnh đạo để huy động sức dân. “Điều quan trọng, Chính phủ phải có những hành động cụ thể để người dân tin tưởng. Câu khẩu hiệu “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” phải biến thành thực tế chứ không phải chỉ là hô hào”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.
PGS.TS Phạm Xuân Hằng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cũng cho rằng sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo không thể tách rời sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân. Chỉ có gắn bó mật thiết với nhân dân bằng hành động thực tế thì Đảng mới hoàn thành sứ mệnh cầm quyền hiện nay. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, để tập hợp được sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân, Đảng phải là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào dân, chăm lo, bồi dưỡng sức dân: “Động viên được sức mạnh toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay thì Đảng phải hóa thân vào Mặt trận như những thời kỳ đấu tranh máu lửa ấy để làm hạt nhân khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ quyết định vấn đề xây dựng nội lực quốc gia. Lúc này, Đảng cần thể hiện vai trò của mình, phải đoàn kết, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó Đảng là tổ chức thành viên đặc biệt”.
Thực tế lịch sử dân tộc đã chứng minh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gặp những khó khăn, thách thức lớn đến đâu, chính sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là sức mạnh to lớn để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết, thống nhất của hơn 90 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước lúc này sẽ là nguồn sức mạnh vô cùng to lớn để dân tộc Việt Nam tiến những bước vững chắc trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.