Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đề nghị các địa phương quan tâm tới hoạt động của Trạm Y tế xã, coi "Trạm Y tế xã là nền tảng cơ bản trong vấn đề quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo mỗi người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe phù hợp trong suốt cả cuộc đời".
Nhiều thiếu sót trong hệ thống y tế cơ sở
Tại phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho biết, từ thực tế công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở trong nước thời gian qua cho thấy, năng lực y tế còn nhiều bất cập, nhất là năng lực y tế cơ sở, năng lực y tế dự phòng. Chúng ta đã tập trung quá nhiều nguồn lực cho y tế điều trị, y tế chuyên sâu tuyến trên mà chưa quan tâm đầu tư y tế dự phòng, y tế cơ sở một cách thỏa đáng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm về vấn đề này và giải pháp để nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở trong thời gian tới.
Cùng bày tỏ băn khoăn về giải pháp tăng cường năng lực cho tuyến xã của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội), đại biểu Trần Kim Yến (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, những ngày gần đây, "y tế cơ sở" là một cụm từ rất nóng, mặc dù đây không phải là vấn đề mới mà đã được đề cập nhiều lần. Trước đây, ngày 5/11/2021, Chính phủ đã có văn bản, có nêu một số chính sách, quy định nhằm tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực y tế, động viên và thu hút nhân viên y tế về công tác tại cơ sở. Tuy nhiên, các chính sách nêu trên chưa phát huy hiệu quả trên thực tiễn; đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, đối với y tế cơ sở. Đại biểu Trần Kim Yến đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ các giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là vấn đề cử tri, nhân dân cả nước, đặc biệt đối với ngành Y tế, dành sự quan tâm trong suốt thời gian qua. Hệ thống y tế đã được sắp xếp theo các cấp hành chính và đối với y tế cơ sở được sắp xếp theo Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư về củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. "Trong thời gian qua, hệ thống y tế về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu trong tình hình bình thường. Thế nhưng trên thực tế lại không đáp ứng được tình hình dịch xảy ra, nhất là những địa bàn có diễn biến phức tạp", Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận.
Đến thời điểm hiện nay, mặc dù đã được quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt, các địa phương cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các Trạm Y tế tuyến xã nhưng trên thực tế, vẫn còn khoảng 20% số trạm y tế chưa được xây dựng, sửa chữa để đảm bảo các quy định. Về năng lực y tế cơ sở tuyến xã, đến nay, chỉ có 48,4% các Trạm Y tế đảm bảo thực hiện được 80% các dịch vụ y tế cơ bản của xã. Đây là một thực tế xảy ra, ngay kể cả các tỉnh, thành phố lớn. Chính vì vậy, một trong những hoạt động Bộ Y tế đang rất quan tâm là vấn đề về y tế cơ sở. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang gấp rút chuẩn bị đề án tăng cường năng lực cũng như khả năng ứng phó với dịch bệnh của hệ thống y tế cơ sở, bao gồm cả tuyến huyện, tuyến xã.
Nhận định còn nhiều vấn đề cần phải thay đổi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, công tác tổ chức cần phải đánh giá và cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức của Trạm Y tế xã thay vì theo cấp hành chính, mỗi phường/xã có một trạm y tế. Thực tế, có những xã/phường chỉ có 10 nghìn dân nhưng có những nơi lên tới 130.000 dân đều chỉ có một Trạm Y tế tuyến xã. Trong khi đó, lực lượng y tế tại Trạm Y tế xã tối đa khoảng 12 người. Vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra không đáp ứng yêu cầu. Bộ Y tế đã nghiên cứu, báo cáo trao đổi với các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu để có thể sắp xếp, cơ cấu lại y tế cơ sở, nhất là đối với trạm y tế xã để đảm bảo khi dịch bệnh xảy ra không bị quá tải, không gặp phải những hạn chế trong thời gian qua như Thành phố Hồ Chí Minh cũng như một số địa phương. Đây cũng là lý do Chính phủ phải đưa ra giải pháp Trạm Y tế lưu động để khắc phục những điểm này.
Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở
Về tăng cường đầu tư, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thu hút nguồn đầu tư, nhất là nguồn đầu tư quốc tế với tổng đầu tư khoảng 200 triệu USD cho 29 tỉnh, thành phố, đặc biệt, những nơi còn khó khăn để đầu tư cho các trạm y tế, trong đó có đầu tư nâng cấp, sửa chữa gần 1.000 Trạm Y tế. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế đặt ra vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Trong thời gian tới đây, Chính phủ sẽ trình đối với Quốc hội trong đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế, trong đó có việc đầu tư cho Trạm Y tế tuyến xã.
Về vấn đề đảm bảo nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thực tế, Trạm Y tế xã/phường thường có từ 6-12 người, thường có khoảng 6-8 người. Nhân lực Trạm Y tế không đáp ứng được theo yêu cầu thực tế. Bởi vì yêu cầu đối với bác sỹ ở Trạm Y tế xã đòi hỏi có rất nhiều hoạt động cần phải triển khai trong thời gian làm nhiệm vụ. Vì vậy, Bộ Y tế đã và sẽ đưa ra những giải pháp, trong đó có vấn đề về tăng cường năng lực nhân lực qua nhiều hình thức: luân phiên, luân chuyển bác sỹ từ trạm y tế xã lên các Trung tâm Y tế tuyến huyện để vừa khám bệnh, chữa bệnh, vừa học hỏi, nâng cao năng lực và đưa bác sỹ tuyến huyện về tuyến xã.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã thiết lập hệ thống về khám bệnh, chữa bệnh từ xa, trong đó tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt đối với tuyến xã. Bộ Y tế tổ chức lại y tế tuyến xã, hình thành theo hình thức nguyên lý y học gia đình, trong đó, hình thành nhóm bác sỹ trong hệ thống công lập và tư nhân để quản lý, chăm sóc người bệnh.
Đối với đổi mới cơ chế tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, mặc dù số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các Trạm Y tế xã/phường rất nhiều, chiếm khoảng 75%. Tuy nhiên, chi tiêu của bảo hiểm y tế cho Trạm Y tế tuyến xã còn rất thấp. Vì vậy, việc đổi mới cơ chế tài chính Trạm Y tế theo phương thức như gói dịch vụ y tế cơ bản; đặt hàng giao nhiệm vụ hoặc phương thức chi trả... hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề này trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư hoạt động y tế, nhất là đối với trạm y tế. Theo quy định, mỗi một Trạm Y tế được cấp từ 10-20 triệu đồng/năm, nhiều nhất có địa phương cấp khoảng 40 triệu đồng/năm hoặc nhiều hơn, nhưng có địa phương không cấp đủ 10 triệu/năm, bao gồm tiền điện, tiền nước, tiền xử lý chất thải cho đến văn phòng phẩm... Vì vậy, hoạt động Trạm Y tế một số nơi rất khó khăn. Bộ Y tế đề nghị các địa phương quan tâm tới hoạt động của Trạm Y tế xã, coi "Trạm Y tế xã là nền tảng cơ bản trong vấn đề quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo mỗi người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe phù hợp trong suốt cả cuộc đời".
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo, mỗi năm có khoảng 6.700-7.000 bác sỹ ra trường, đáp ứng được "phần nào" nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, không thể đẩy nhanh tốc độ đào tạo bởi vì phụ thuộc vào năng lực đào tạo của các trường cũng như năng lực của giảng viên. Thực hiện đổi mới đào tạo văn bản để đào tạo theo hướng sâu hơn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, về cơ bản, sau này, các bác sỹ sẽ đào tạo theo hướng "6+3", tức 9 năm mới được ra trường hành nghề.
Hiện nay, nhân lực y tế vùng sâu, vùng xa đối hết sức khó khăn. Vì vậy, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án về tăng cường đào tạo, thu hút nhân lực, nhất là đối với nhân lực y tế cho vùng sâu, vùng xa để đảm bảo người dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận lợi.