Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất tên Nghị quyết là "Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia".
Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.
Đáng chú ý có cơ chế đặc thù về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm. Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Về cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023) của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được chuyển sang năm 2024. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, theo thẩm quyền, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia các năm trước đã được kéo dài sang năm 2024.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, căn cứ điểm b khoản 2, Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết là đúng thẩm quyền. Hồ sơ trình của Chính phủ đã cơ bản tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc; hồ sơ hoàn thiện theo quy định tại khoản 3, Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ, trình tự theo quy trình rút gọn. Vì vậy hồ sơ của Chính phủ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định.
Về sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết như trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với tên gọi của Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, tên gọi của Nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tên gọi sau khi tiếp thu là: "Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia", tên gọi như trên là phù hợp, đảm bảo ngắn gọn, có tính khái quát cao.
Thẩm tra một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là: "Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia". Hội đồng Dân tộc thấy rằng, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bỏ điểm b và sửa lại điểm a ngắn gọn hơn.
Liên quan đến phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Hội đồng Dân tộc cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ là phù hợp; đồng thời đề nghị nên cân nhắc bổ sung quy định phân cấp giao cho cấp tỉnh thông báo số dự kiến vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm tiếp theo để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.