Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi:
Cần khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn
Qua nghiên cứu dự thảo trình tại kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải quyết được nhiều các vấn đề lớn có ý kiến khác nhau tại Kỳ họp 6, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích các bên trong quan hệ đất đai; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm rõ nét. Nhiều chế định mới khắc phục được các vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Tuy nhiên, tôi xin tham gia một số điểm như sau:
Thứ nhất, về điều kiện thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất tại khoản 7, Điều 45, Dự thảo quy định: Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quả hạn mức quy định tại Điều 176 (không quá 3 héc ta đối với tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố khác) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.
Tôi tán thành quy định này, tuy nhiên, việc yêu cầu phải thành lập tổ chức kinh tế thì sẽ khó khăn cho người dân trong thực hiện theo quy định. Mặt khác, pháp luật doanh nghiệp cho phép cá nhân thành lập tổ chức kinh tế hoặc hoạt động theo hình thức đăng ký hộ kinh doanh.
Do vậy, đề nghị xem xét quy định đối với cá nhân thì quy định có phương án sử dụng đất trồng lúa là phù hợp, không bắt buộc phải thành lập tổ chức kinh tế để thuận lợi cho người dân và phù hợp với pháp luật doanh nghiệp.
Đồng thời đề nghị bổ sung quy định cụ thể trường hợp cá nhân nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa từ người thuộc hàng thừa kế thì không phải xây dựng phương án sử dụng đất trồng lúa không, để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất.
Thứ hai, về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79). Tại khoản 23, dự thảo quy định Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp: Thực hiện dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung có quy mô lớn, tập trung đồng bộ về kết cấu hạ tầng dùng chung từ khâu sản xuất đến chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản phục vụ trên phạm vi liên huyện hoặc liên vùng. Đề nghị bỏ cụm từ “có quy mô lớn”, vì không định lượng được mức độ quy mô như thế nào là lớn, ở vùng miền khác nhau thì có thể có sự nhận định, xác định khác nhau về mức độ quy mô dự án, như vậy sẽ dẫn đến áp dụng tùy nghi, thực hiện không thống nhất hoặc không dám thực hiện vì sợ trách nhiệm.
Do vậy, đề nghị quy định thực hiện dự án tập trung, đồng bộ về kết cấu hạ tầng dùng chung từ khâu sản xuất đến chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản phục vụ trên phạm vì liên huyện hoặc liên vùng là phù hợp. Hoặc nghiên cứu quy định mức cụ thể đảm bảo việc thực hiện thống nhất.
Dự thảo quy định các trường hợp được Nhà nước thu hồi đất tại khoản 26 (Dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển ) và khoản 27 (dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở) là chưa cụ thể, nội hàm chưa rõ. Đề nghị xem xét, quy định cụ thể để tránh việc mỗi nơi quy định khác nhau; người dân không đồng thuận đần đến việc thực hiện thu hồi đất thực hiện dự án khó khăn.
Thứ ba, về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 85).
Cụ thể, tại khoản 5, Điều 85 dự thảo quy định: Hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất. Trong thời gian này, tài sản gắn liền với đất được tạo lập không được bồi thường khi thu hồi đất (quy định tại khoản 2, Điều 105). Vậy, sau thời hạn 12 tháng từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất mà chưa thu hồi đất thì quyền của người sử dụng đất như thế nào cần được quy định cụ thể. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định hệ quả pháp lý sau hiệu lực thông báo thu hồi đất để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.
Luật hiện hành chưa quy định vấn đề này nên thực tế xảy ra vướng mắc, có nhiều dự án, cơ quan chức năng ra thông báo thu hồi đất nhưng việc bồi thường, di dời tái định cư chậm, kéo dài qua nhiều năm. Thông báo thu hồi đất treo lơ lửng, người dân không được xây dựng, tách thửa ... ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người có đất bị thu hồi.
Thứ tư, về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 87).
Tại điểm b, khoản 4, dự thảo quy định đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm “Gửi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đến từng người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan".
Tuy nhiên, hồ sơ về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thì rất nhiều, như vậy việc gửi đến cho từng từng người sẽ khó khăn, không hợp lý, gây lãng phí. Do vậy, đề nghị quy định niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; chỉ gửi đến từng người nội dung liên quan.
Thứ năm, về quy định sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Điều 127).
Tại điểm b, khoản 1, dự thảo quy định: Đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì chỉ được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở. Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 122 quy định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại gồm đất ở hoặc đất ở và đất khác. Theo quy định này, nhà đầu tư thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất không phải là đất ở rồi xin chuyển mục đích sang đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu điều chỉnh lại quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 127 cho thống nhất.