Tham dự có: lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, cán bộ lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, đông đảo đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị Đảng bộ thành phố cần phát truy truyền thống đoàn kết, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo tiền đề vững chắc để Hải Dương sớm được công nhận là đô thị loại I và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh, thành phố Hải Dương cần đề xuất các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các dự án đầu tư lớn trên địa bàn, nhất là việc huy động xã hội hoá các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị gắn với các phân khu chức năng theo quy hoạch; tăng cường công tác quản lý hành chính; quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị; xây dựng các tuyến phố văn minh, kiểu mẫu…
Ôn lại truyền thống hào hùng của Đảng bộ thành phố Hải Dương, Bí thư Thành ủy Hải Dương Đoàn Việt Hùng cho biết: ngày 26/8/1938, tại số nhà 17 phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng Thái), trước sự chứng kiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ (Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của thành phố Hải Dương được thành lập, tiền thân của Thành ủy Hải Dương ngày nay.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã, quân và dân thị xã Hải Dương đã anh dũng chiến đấu và lập nhiều chiến công vang dội trong nhiều trận đánh ác liệt diễn ra tại nhà Nông phố, nhà máy Chai và trường Con Gái. Quân và dân thị xã đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã 3.425 tên địch; phá hủy hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh, góp phần làm nên "Tiếng sấm đường 5 anh dũng".
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thị xã Hải Dương có vị trí chiến lược quan trọng, là đầu mối giao thông huyết mạch nối liền Thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng và các tỉnh trong vùng nên nhiều địa điểm như cầu Phú Lương, Nhà máy Đá Mài, Nhà máy Sứ, Ga Hải Dương... trở thành trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ. Quân và dân thị xã Hải Dương đã kiên cường đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của kẻ thù, vừa tổ chức sơ tán, vừa bám trụ sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ các mục tiêu trọng điểm.
Trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân thị xã đã động viên hàng vạn người con ưu tú tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Toàn thị xã có 2.537 liệt sỹ, 2.086 thương binh, bệnh binh, 191 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...
Từ ba đảng viên ban đầu, đến nay Đảng bộ thành phố Hải Dương có gần 15.000 đảng viên sinh hoạt ở 62 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc; hằng năm, Đảng bộ thành phố có trên 85% đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, trên 78% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, là mạch nguồn để thành phố Hải Dương phát triển kinh tế mạnh mẽ. Kinh tế của thành phố liên tục phát triển với tốc độ cao, đạt từ 13-15%/năm và luôn cao hơn bình quân chung của tỉnh. Đặc biệt, sau gần 10 năm được nâng cấp lên đô thị loại II, thành phố Hải Dương đã có bước phát triển mạnh mẽ, không gian đô thị được mở rộng.
Thành phố Hải Dương hiện có thêm 8 khu đô thị và hàng chục khu dân cư mới với tỷ lệ lấp đầy từ 70% trở lên. Đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố giảm còn 3,26%, tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt 84,9%, tỷ lệ gia đình văn hóa là 91,4%. Thành phố đã có 3/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Thành phố Hải Dương đang nỗ lực phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2020; là đầu tàu phát triển, trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học - công nghệ của tỉnh Hải Dương.