Chúng tôi có dịp gặp kỹ sư Vũ Hoàng Tùng trong những ngày Hải Dương cùng các tỉnh miền Bắc đang bước vào đợt nắng nóng đỉnh điểm đầu tiên của mùa hè năm 2018. Đây cũng là giai đoạn đặc biệt áp lực ở phòng điều độ - nơi anh công tác- với nhiệm vụ phải đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục.
Chia sẻ về những đề tài nghiên cứu khoa học đã và đang triển khai áp dụng, chàng kỹ sư sinh năm 1983 cho biết, anh nhớ nhất quá trình nghiên cứu giải pháp để khắc phục sự cố chạm đất đối với trạm biến áp 110kV.
Hoàng Tùng kể: “Mình về nhận công tác ở đơn vị từ tháng 10/2006. Ngay từ những ngày đầu làm việc ở phòng, mình đã phát hiện ra một bất cập trong quá trình xử lý sự cố chạm đất đối với trạm 110kV. Đó là, mỗi khi xảy ra sự cố, việc xử lý đòi hỏi phải tiến hành cắt điện lần lượt từng đường dây để tìm đường dây có điểm chạm đất. Điều này làm gián đoạn khả năng cấp điện cho các phụ tải ở những đường dây liên quan, ảnh hưởng đến chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, ảnh hưởng đến sự an toàn cho người và thiết bị, nhất là với những đường dây 35 kV đi qua các khu đông dân cư".
Tuy nhiên, vì các vấn đề chuyên môn khác liên tiếp xuất hiện chiếm thời gian và sự ưu tiên của chàng kỹ sư trẻ nên mối băn khoăn này tạm thời bị đặt xuống hàng thứ yếu. Cho đến năm 2009, có một sự cố phức tạp xảy đến và nhắc anh quay trở lại với bài toán chưa có lời giải của 3 năm về trước, thôi thúc anh phải tìm cách hóa giải. Đó là một ngày hè tháng 6, vẫn một sự cố chạm đất ở trạm 110kV, tuy tính chất sự cố thì không mới lạ nhưng lần này Hoàng Tùng và anh em đồng nghiệp đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian mới xử lý xong. Sau sự việc này, anh đã quyết tâm bắt tay vào việc tìm phương án cho việc xử lý những tình huống tương tự về sau.
“Mình bắt đầu tìm hiểu và nhận thấy rất ít tài liệu đề cập đến vấn đề này. Nghiên cứu nhiều phương án, cuối cùng, mình đã chọn phương án tối ưu là sử dụng tín hiệu U0 từ cuộn tam giác hở kết hợp với tín hiệu I0 có hướng qua tính toán để làm tín hiệu đi cắt máy cắt đường dây trung áp khi có sự cố chạm đất trên đường dây”, Hoàng Tùng nhớ lại. Nút thắt quan trọng nhất được gỡ thì một vấn đề khác lại đặt ra đó là chi phí đầu tư rất đắt nếu đưa ý tưởng này vào thực tế. Không nản, anh lại tiếp tục tìm giải pháp với mục tiêu tiết kiệm tối đa chi phí và nhận thấy có thể tận dụng một số chức năng sẵn có trong rơ le tại các trạm 110 kV để áp dụng vào ý tưởng này mà vẫn mang lại hiệu quả, chỉ mất nhân công để cài đặt, lắp đặt.
Sau 5 năm ròng rã với nhiều tháng, nhiều ngày mất ăn, mất ngủ, sáng kiến đã được đưa vào thử nghiệm ngày 31/8/2014 và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Theo ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương, sáng kiến của kỹ sư Hoàng Tùng là một giải pháp có ý nghĩa lớn, giảm việc mất điện khi có sự cố chạm đất- đây là loại sự cố thường xảy ra trong quá trình vận hành. “Với sáng kiến của đồng chí Tùng, khi có sự cố, sẽ có tín hiệu cắt và phân loại nhanh khu vực sự cố để làm giảm thời gian xử lý sự cố, giảm thời gian mất điện, đã góp phần nâng cao độ tin cậy đối với khách hàng. Đồng thời, giảm được nhân lực và những chi phí khác khi vận hành, mang đến hiệu quả cao đối với sản xuất, kinh doanh của chúng tôi”, ông Nghĩa đánh giá. Thực tế qua 4 năm triển khai áp dụng đã cho thấy, sáng kiến giúp giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng và đảm bảo thiết bị cho Công ty lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Tính thiết thực của sáng kiến đã mang lại cho kỹ sư Vũ Hoàng Tùng giải Nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ IX (năm 2014-2015). Tập đoàn điện lực miền Bắc cũng đã đánh giá cao sáng kiến này và phổ biến rộng rãi. Điện lực nhiều tỉnh, thành đã liên hệ để được Điện lực Hải Dương hỗ trợ áp dụng công nghệ này trong vận hành.
Đây chỉ là một trong nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học của Hoàng Tùng đang được áp dụng tại Công ty Điện lực Hải Dương nhưng lại là công trình đáng nhớ nhất với anh vì quá trình “chinh phục” đòi hỏi nhiều thời gian, công sức nhất. Tính riêng từ năm 2013-2017, Hoàng Tùng đã có 11 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học. Những sáng kiến đó đã mang lại cho anh hai giải nhì, một giải ba tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Hải Dương.
Không chỉ đam mê nghiên cứu khoa học, trong mắt các đồng nghiệp, kỹ sư Vũ Hoàng Tùng là người tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Anh làm tốt vai trò điều độ viên lưới điện phân phối; tham mưu giúp lãnh đạo đơn vị lập phương thức vận hành hợp lý, lập phương án cấp điện ứng phó với tình hình thời tiết xấu hoặc trong trường hợp thiếu nguồn… góp phần giúp đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới điện, giảm mức tổn thất điện năng ở mức thấp nhất, nâng cao chất lượng phục vụ của ngành điện trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Bên cạnh đó, anh cũng luôn tích cực tham gia những chương trình, hoạt động do Công đoàn triển khai.
Với những nỗ lực trong quá trình công tác, kỹ sư Vũ Hoàng Tùng đã được trao danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở 3 năm liền (2014-2016). Năm 2015, anh được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tặng bằng khen. Đặc biệt, anh đã vinh dự là một trong 70 điển hình được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh - giải thưởng tôn vinh những gương lao động giỏi, lao động sáng tạo – lần thứ III năm 2018.
Câu chuyện về việc nghiên cứu, về những sáng kiến được Hoàng Tùng kể với phong thái điềm đạm, khiêm tốn. Với anh, ý tưởng và đam mê nghiên cứu của mình chỉ là điểm khởi đầu, còn động lực giúp anh gặt hái được thành công lại đến từ môi trường, sự hỗ trợ của đồng nghiệp. “Nếu không có được sự ủng hộ, khuyến khích của lãnh đạo phụ trách trực tiếp và lãnh đạo công ty thì khó có thể hiện thực hóa các ý tưởng cũng như áp dụng thực tế, mang lại hiệu quả như hôm nay”, chàng kỹ sư 36 tuổi khẳng định.