Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và thúc đẩy

Ngày 15/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và thúc đẩy". Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bên cạnh việc phát triển trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và hội nhập kinh tế quốc tế,  về mặt xã hội phải thực hiện chiến lược bao trùm tăng trưởng toàn diện, tăng trưởng cho con người và vì con người. Nếu sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội không huy động được đông đảo người dân tham gia thì rất khó thành công. Thành quả của tăng trưởng không được chia sẻ tới các tầng lớp nhân dân thì tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa.

Phó Thủ tướng khẳng định, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương đã được nêu rõ trong văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng và là mệnh lệnh của cuộc sống, để rút ngắn khoảng cách với các nước khác trên thế giới. Vì vậy, chúng ta phải phát triển nhanh và nhanh hơn nữa để không bị tụt hậu đồng thời phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng mong muốn tại Hội thảo khoa học "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và thúc đẩy", các đại biểu cần làm rõ đâu là động lực tăng trưởng của Việt Nam? Cũng như sự lệch pha trong nền kinh tế - khi khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  và khu vực đầu tư trong nước chưa có sự kết nối và phát triển không đồng đều.

Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các luận cứ phải giải trình được về tăng trưởng quý III/2017 với mức tăng đột biến, gấp 1,5 lần so với các quý trước, để cho thấy “Chính phủ không tăng trưởng bằng mọi giá”. Chỉ dấu của chất lượng tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu đã xuất hiện sau nhiều năm Chính phủ thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Các tuyên bố về Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính cũng đã tạo cảm hứng cho xã hội, lan toả sang các lĩnh vực và phải duy trì, thực thi trong suốt nhiệm kỳ này.

Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Kinh tế Việt Nam đã đi hết gần nửa chặng đường của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2016-2020). Trong năm 2017 nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện như vốn đầu tư khu dân doanh tăng mạnh, ước tăng 16% so với 10% năm 2016.  Những kết quả nghiên cứu về tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế phù hợp với sự chuyển dịch phân bổ nguồn lực từ khu vực Nhà nước sang khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Đó là kết quả chính sách "cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí doanh nghiệp, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế".

Các đại biểu tham dự Hội thảo nhận xét, mặc dù đã đạt được các điểm sáng tích cực trong năm 2017, nhưng mục tiêu Chính phủ đặt ra cho kế hoạch 5 năm còn rất nặng nề và nhiều thách thức. Vì vậy, việc kiểm điểm lại  những động lực tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua, để từ đó tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong những năm sắp tới có ý nghĩa quan trọng đặc biệt.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 1/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề cải cách tiền lương gắn với cải cách bộ máy hành chính; các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN