Bên lề Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khá thẳng thắn, làm rõ những vướng mắc trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay:
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình. |
*Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre):
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên quan đến vấn đề rất lớn trong quản lý Nhà nước hiện nay là công tác xây dựng pháp luật. Đây là vấn đề không chỉ xây dựng luật mà còn là các văn bản dưới luật mà trên thực tế có hiệu lực hiện hữu, tác động trực tiếp đến công việc quản lý nhà nước và quyền của tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng Tư pháp trả lời đúng với thực chất trong điều kiện hiện nay và phù hợp với quản lý công tác xây dựng văn bản pháp luật của Nhà nước ta. Để giải quyết vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực này thì tại phiên chất vấn này chưa thể giải quyết được mọi thứ trong điều kiện Nhà nước chúng ta không có tòa án Hiến pháp, là cơ quan có thẩm quyền tài phán về việc những văn bản trái Hiến pháp, pháp luật.
Những giải pháp mà Bộ Tư pháp đưa ra tôi thống nhất cao, đó là hoàn thiện công tác xây dựng văn bản pháp luật. Cụ thể là hợp nhất 2 luật: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 điều chỉnh việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung Ương với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND năm 2004 với nhiều nội dung chưa thống nhất. Nhất là cơ chế kiểm soát xây dựng ban hành các văn bản của hai luật này. Với cơ chế kiểm tra, kiểm soát thì với cơ chế như hiện nay thì Bộ Tư pháp trước khi ban hành có thẩm quyền thẩm định và sau khi ban hành có quyền kiểm tra. Cả khâu “gác cửa” và khâu kiểm tra đều mang tính chất tự kiểm tra vì Bộ Tư pháp cũng chỉ là cơ quan hành chính thuộc Chính phủ, có thẩm quyền và pháp lý giống Bộ ngành khác. Do đó, nếu phát hiện văn bản trái quy định và không thống nhất thì quyền cao nhất là kiến nghị. Do đó, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn mang tính chất phán quyết. Trước năm 2002, Viện Kiểm soát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị, tôi cho rằng rất có hiệu quả và có cơ chế như là tài phán tư pháp thì hiệu quả hơn.
*Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình):
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời rất rõ ràng và đầy đủ những ý kiến đại biểu nêu, vừa giải thích vừa làm rõ những vấn đề mà đại biểu cũng như nhân dân cả nước quan tâm trong vấn đề triển khai văn bản pháp luật của Quốc hội và các ngành. Tuy nhiên, cũng có một số điểm đại biểu chưa đồng tình cũng là tất yếu vì Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật nhưng công tác này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên có những ngành, lĩnh vực. Tồn đọng văn bản là đúng và giải quyết là cần thiết. Đại biểu quan tâm đến tính xác thực nhằm triển khai văn bản pháp luật vào thực tế cuộc sống nhưng do yếu tố khách quan chưa hoàn thành. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã hứa khắc phục trong thời gian tới nhưng đây là vấn đề nhạy cảm, khó nên thời gian tới chỉ có thể hạn chế chứ để khắc phục triệt để thì cần nhiều thời gian hơn.
*Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Thành phố Hải Phòng):
Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời hết câu hỏi của đại biểu. Tất nhiên về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nhiều vấn đề khó, như việc Bộ Tư pháp chưa kiểm soát được việc ban hành các thông thư hướng dẫn luật, trong khi việc thực hiện pháp luật hiện nay chủ yếu là theo Thông tư, nếu Thông tư ban hành sai sẽ làm sai ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực thi pháp luật nên về lâu dài Bộ phải giám sát được để luật đi vào cuộc sống. Tôi thấy Bộ trưởng đưa ra những giải pháp thực tế khắc phục bất cập nhưng thực hiện được thì cần sự đồng bộ trong hệ thống chính trị. Nếu thực hiện sẽ khắc phục được các hạn chế trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà đại biểu Quốc hội đã nêu.
Xuân Minh (thực hiện)